FLC nâng mục tiêu lợi nhuận từ 500 tỷ lên 1.100 tỷ
FLC nâng kế hoạch doanh thu và lợi nhuận
Ngày 26/3, Tập đoàn FLC công bố thêm một số tờ trình và báo cáo để đại hội cổ đông tổ chức ngày 12/4 tới bàn thảo và thông qua.
Một trong các nội dung đáng chú ý mới được Ban Tổng Giám đốc FLC đưa ra là kế hoạch kinh doanh năm 2021 tăng trưởng mạnh so với thực hiện năm 2020 cũng như so với kế hoạch công bố ít ngày trước.
Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất mới là 15.250 tỷ đồng, tăng 61% so với kế hoạch cũ; mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.100 tỷ đồng, gấp hơn hai lần mục tiêu cũ.
Ngoài ra, Tập đoàn FLC cũng đề nghị không trả cổ tức năm 2020 và trả cổ tức tỷ lệ 10% năm 2021. Ở tờ trình cũ, ban lãnh đạo tập đoàn đề xuất không trả cổ tức trong cả hai năm 2020 và 2021.
Một trong các nội dung quan trọng khác mà đại hội cổ đông sắp tới của FLC sẽ bàn bạc là kế hoạch chào bán 497 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 70% (tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua 7 cổ phiếu mới) để huy động vốn thực hiện hàng loạt dự án bất động sản.
Tổng số tiền dự kiến thu về (theo mệnh giá) là 4.970 tỷ đồng, trong đó khoảng 4.500 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho 8 dự án, còn lại khoảng 470 tỷ đồng sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.
Giá cổ phiếu FLC những phiên gần đây liên tiếp tăng mạnh và vượt mệnh giá 10.000 đồng/cp nên kế hoạch chào bán đợt này được dự báo là sẽ thuận lợi hơn so với những lần trước.
Tập trung mảng bất động sản và hàng không
Trong năm 2021, Tập đoàn FLC có kế hoạch phát triển và ra mắt gần 20 dự án, trong đó có một số dự án đã, đang được triển khai tại nhiều tỉnh, thành.
Một số cái tên lớn cần kể đến gồm quần thể FLC Quảng Bình giai đoạn 2 với hai hạng mục khách sạn 5 sao FLC Grand Hotel Quảng Bình và Trung tâm Hội nghị Quốc tế; quần thể FLC Vĩnh Phúc giai đoạn 2; các khu đô thị FLC Premier Parc, FLC Legacy Kontum, FLC La Vista Sadec; tổ hợp thương mại, dịch vụ và nhà ở cao cấp FLC Hilltop Gia Lai...
Ở mảng hàng không, Bamboo Airways - hãng bay do Tập đoàn FLC thành lập - đặt kế hoạch mở rộng đội bay từ 29 tàu bay năm 2020 lên 40 chiếc trong năm 2021, bao gồm các dòng thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, thân hẹp Airbus A321/320 NEO, phản lực khu vực Embraer E195.
Bamboo Airways cũng dự kiến mở rộng mạng bay lên 70 – 80 đường; trong đó chú trọng các tuyến bay thẳng kết nối các điểm đến du lịch tiềm năng chưa hãng bay nào khai thác.
Hãng hàng không của FLC còn phấn đấu khai thác trở lại các đường bay thẳng quốc tế tới Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vào quý II năm nay, sau khi được Chính phủ cho phép và nhận thấy các điều kiện thị trường thuận lợi.
Hãng cũng dự định mở các đường bay thẳng đi Melbourne, Sydney (Australia); Singapore; Thái Lan; Trung Quốc; CH Séc; Mỹ ... trong năm 2021.
Bamboo đặt mục tiêu trung chuyển 20 triệu lượt khách trên 110.000 chuyến bay, chiếm 30% thị phần hàng không nội địa trong năm nay.
Ngày 5/2/2021, Bamboo Airways tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của FLC giảm từ 51,29% xuống còn 39,4%.
Xét theo tỷ lệ nắm giữ, FLC không còn là công ty mẹ của Bamboo Airways, tuy nhiên Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và Phó Tổng Giám đốc FLC Đặng Tất Thắng vẫn đang giữ chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc của Bamboo. Nhóm cổ đông gồm FLC, ông Trịnh Văn Quyết và FLC Faros vẫn sở hữu trên 80% vốn của Bamboo.
Ông Quyết mới đây cho biết Bamboo Airways có kế hoạch niêm yết 1,05 tỷ cổ phiếu trong quý III/2021.
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động, FLC dự kiến tuyển mới khoảng 3.000 nhân sự vào năm nay, trong đó riêng mảng hàng không chiếm khoảng 30%. Giai đoạn 2021 - 2022, đội ngũ nhân sự trên toàn hệ thống FLC (bao gồm các công ty con) ước tính khoảng 13.000 – 15.000 người.