|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SCG: Nhà thầu xây dựng tham vọng doanh thu 10.000 tỷ, sắp giao dịch UPCoM

08:11 | 27/03/2021
Chia sẻ
Được ví như nhà thầu ruột của Sunshine Group, chỉ sau gần hai năm thành lập, SCG chuẩn bị giao dịch UPCoM với tham vọng doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2022.
SCGq - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

CTCP Xây dựng SCG vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận giao dịch 50 triệu cổ phiếu SCG trên thị trường UPCoM.

Theo giới thiệu, SCG được thành lập tháng 4/2019, là một trong những tổng thầu thi công xây dựng mới nổi trên thị trường Việt Nam với ngành nghề chính là xây dựng nhà ở cao tầng; xây dựng công nghiệp (nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, chế xuất…) và xây dựng hạ tầng (cầu đường, mặt bằng…).

Thời điểm mới thành lập năm 2019, vốn điều lệ của SCG đã lên tới 1.000 tỷ đồng. Ba tháng sau, vốn điều lệ giảm còn 100 tỷ đồng do thay đổi cơ cấu sở hữu và tính đến nay là 500 tỷ đồng.

Bóng dáng Sunshine Group đằng sau SCG

Ngay từ khi mới thành lập, công ty đã được giao thi công một số dự án có quy mô lớn. Chưa đầy một năm sau, SCG được chọn là tổng thầu Dự án Empire với tổng giá trị gói thầu lên tới 5.000 tỷ đồng.

SCGq - Ảnh 1.

Các dự án công ty dự kiến thực hiện trong những năm tới. (Nguồn: M.H tổng hợp từ SCG).

Tính đến cuối tháng 8/2020, SCG cho biết tổng giá trị một số hợp đồng lớn rơi vào tay SCG đạt trên 12.000 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty xây dựng này còn thể hiện tham vọng hướng tới việc xây dựng hệ thống sân bay, cầu cảng, metro…

SCGq - Ảnh 2.

Ông Đỗ Anh Tuấn (sinh năm 1975), Chủ tịch HĐQT của SCG đồng thời là Chủ tịch Sunshine Group. (Nguồn: Sunshine Group).

Đáng chú ý, các dự án lớn đã thực hiện đều do CTCP Tập đoàn Sunshine (Sunshine Group) làm chủ đầu tư, một tập đoàn bất động sản tăng tốc mạnh những năm gần đây.

Về cơ cấu cổ đông, ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Sunshine Group và em trai là Đỗ Văn Trường, thành viên HĐQT Sunshine chính là cổ đông sáng lập của SCG, sở hữu lần lượt 15% và 10% vốn tại SCG.

Chiếc ghế CEO kiêm thành viên HĐQT của SCG hiện do ông Lê Văn Nam đảm nhận và nắm giữ 5% vốn. Trước đó, ông Nam có 5 năm giữ chức Phó Tổng Giám đốc của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC).

SCG kinh doanh như diều gặp gió, chuẩn bị lên UPCoM sau gần hai năm thành lập - Ảnh 4.

Cơ cấu cổ đông của SCG gồm 118 cá nhân trong nước. (Nguồn: SCG).

Tham vọng doanh thu 10.000 tỷ sau 3 năm thành lập

Năm 2020, doanh thu của SCG bứt phá lên hơn 1.420 tỷ đồng, lợi nhuận vọt lên 90 tỷ đồng sau thuế, tăng hàng chục lần so với 8 tháng hoạt động của năm 2019. Kết quả này đã giúp doanh nghiệp vượt 20% kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm.

Giải thích doanh thu tăng đột biến, công ty cho biết dù mới thành lập nhưng với giá chào thầu rất cạnh tranh trên thị trường nên đã được chủ đầu tư của các dự án thuộc Sunshine Group "ưu tiên SCG là tổng thầu thực hiện hiện các hạng mục công trình".

SCG kinh doanh như diều gặp gió, chuẩn bị lên UPCoM sau gần hai năm thành lập - Ảnh 4.

Kết quả kinh doanh và kế hoạch kinh doanh trong những năm tới của SCG. (Nguồn: M.H tổng hợp từ SCG).

Năm 2021, SCG đặt ra kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ đồng, gấp hơn 3,5 lần so với kết quả năm 2020. Trong năm nay, công ty cũng cho biết doanh thu gối đầu gần 5.300 tỷ đồng từ các dự án đã ký kết.

Trong vòng hai năm tới, SCG còn đưa ra tham vọng doanh thu 10.000 tỷ đồng, con số mà phải mất nhiều năm, CTCP Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) hay Xây dựng Hòa Bình mới làm được.

Cũng theo kế hoạch đề ra, SCG cho biết vẫn dồn nguồn lực để bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường. Năm 2020 - 2021, công ty sẽ không chia cổ tức. Sang năm 2022, SCG dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 10%.

Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2020, tổng tài sản của SCG đến cuối năm 2020 hơn 1.344 tỷ đồng, gấp ba lần so với đầu năm. Trong đó, gần 75% là các khoản phải thu ngắn hạn, và phần lớn đến từ các mắt xích liên quan đến Sunshine Group.

SCG có hệ số nợ (nợ phải trả/tổng nguồn vốn) tương ứng 55%, trong đó, SCG đi vay dài hạn 500 triệu đồng, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng tài sản hơn nghìn tỷ đồng và không sử dụng nợ vay ngắn hạn.

SCG kinh doanh như diều gặp gió, chuẩn bị lên sàn sau gần hai năm thành lập - Ảnh 5.

Các dự án do SCG thực hiện. (Nguồn: M.H tổng hợp).

Trong năm 2020, công ty đã dự kiến huy động tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu, song mới phát hành thành công 1 tỷ đồng trái phiếu.

ROE gần 26% năm 2020

Bên cạnh những cái tên gạo cội trong ngành xây dựng như Coteccons và Hòa Bình, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp có "gốc" Coteccons phi niêm yết liên tục tăng tốc như Ricons, Newtecons, Central, hay các tên tuổi lớn khác như An Phong, Phục Hưng Holdings,...

Ngoài nhà thầu trong nước, các nhà thầu nước ngoài cũng đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây như CTCP Ecoba Việt Nam, nhà thầu Obayashi của Nhật Bản,...

Giữa thị trường xây dựng đầy tính cạnh tranh, xét theo tỷ số ROE (tỷ số lợi nhuận ròng/vốn chủ sở hữu) thì con số của SCG vẫn ở mức khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành, đạt khoảng 25,7% năm 2020.

SCG kinh doanh như diều gặp gió, chuẩn bị lên UPCoM sau gần hai năm thành lập - Ảnh 6.

So sánh quy mô tài sản của SCG với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng được niêm yết. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất năm 2020).

SCG kinh doanh như diều gặp gió, chuẩn bị lên UPCoM sau gần hai năm thành lập - Ảnh 8.

So sánh tỷ suất sinh lời ROE của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng được niêm yết. (Nguồn: SCG).

Với sự hậu thuẫn từ Sunshine Group, SCG có thể sẽ nhanh chóng mở rộng thị phần trong lĩnh vực thầu xây dựng trong những năm tới.

Minh Hằng