|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Xiaomi có dẫm chân VinSmart khi mở nhà máy tại Việt Nam?

07:30 | 10/03/2021
Chia sẻ
Cùng cạnh tranh trong phân khúc smartphone phổ thông và tầm trung, việc Xiaomi mở nhà máy tại Việt Nam có đe doạ đến thị phần của VinSmart trong thời gian tới?

Mới đây, giới công nghệ Việt Nam được dịp xôn xao trước thông tin Xiaomi đang bắt tay cùng với một đơn vị xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại tại TP Hải Phòng, dự kiến sẽ khánh thành trong tháng 6/2021.

Nếu thông tin trên là chính xác, như vậy, tại Việt Nam đang có 4 thương hiệu smartphone sở hữu các nhà máy sản xuất điện thoại quy mô lớn cùng hoạt động, gồm: cụm nhà máy Samsung, LG, VinSmart và Xiaomi. Ngoài ra, các xưởng lắp ráp của Foxconn (Đài Loan) cũng chiếm một phần không nhỏ trong ngành công nghiệp smartphone tại Việt Nam.

Theo thống kê của chúng tôi, tính đến thời điểm hiện tại, 72% điện thoại đã ra mắt của Vsmart thuộc phân khúc tầm trung và phổ thông, 22% thuộc phân khúc cận cao cấp và chỉ có một mẫu cao cấp Airs Pro mới được mở bán gần đây.

Song, khác với Samsung và LG, hai ông lớn tập trung vào các dòng smartphone flagship, thì VinSmart và Xiaomi lại theo đuổi chiến lược giá phổ thông, chất lượng tốt, hướng tới số đông người dùng là lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên,… để chiếm thị phần.

Một số ý kiến cho rằng, với nhiều năm kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh smartphone, Xiaomi khi mở nhà máy tại Việt Nam sẽ dễ trở thành đối thủ giành thị phần với VinSmart. Tuy nhiên, nếu nhìn vào chiến lược hai hãng điện thoại này đang hướng tới, có thể thấy viễn cảnh về việc "dẫm chân nhau" là khó có thể xảy ra.

Theo đuổi thị trường ngách

Bắt đầu giới thiệu các mẫu điện thoại đầu tiên vào tháng 12/2018, đến nay thương hiệu điện thoại Vsmart đang đứng thứ 3 trong top các nhà sản xuất smartphone có doanh số bán hàng lớn nhất Việt Nam.

Theo con số tạm tính từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, trung bình năm 2020 Vsmart chiếm 12,7% thị phần, sau hai tên tuổi là Samsung 31% và Oppo 18,6%, đồng thời bỏ xa đối thủ xếp sau là Vivo chỉ với 8,4%.

Song có thể khẳng định đây không phải là mục tiêu cuối cùng của VinSmart. Cuối tháng 11/2019, Vingroup bắt đầu khởi công dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, công suất lên tới 125 triệu máy/năm.

Theo số liệu từ GfK, trung bình năm 2019, mỗi tháng thị trường Việt Nam tiêu thụ 1,2 - 1,4 triệu smartphone, tương đương 14,4 - 16,8 triệu chiếc smartphone mỗi năm, quy mô quá nhỏ so với con số 125 triệu máy. Do đó, hướng đi của nhà máy khổng lồ này chắc chắn không phải chỉ để sản xuất smartphone bán cho người Việt.

Xiaomi có dẫm chân VinSmart khi mở nhà máy tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Nhà máy VinSmart tại Hoà Lạc. (Ảnh: Thiên Trường).

Trong thông cáo phát đi, Vingroup cho biết nhà máy VinSmart sẵn sàng sản xuất không chỉ điện thoại mang thương hiệu Vsmart mà còn có thể sản xuất thuê cho các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng.

"Đặc biệt chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn từ châu Âu và Mỹ. Đó là lý do chúng tôi, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn gấp 25 nhà máy hiện có tại Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế", ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, chia sẻ.

Tiến gần hơn với mục tiêu trở thành nhà sản xuất theo hợp đồng (ODM), mới đây, 2 triệu chiếc smartphone VinSmart gia công cho nhà mạng AT&T đã được chính thức bán ra tại Mỹ. Không mang thương hiệu Vsmart, nhưng những chiếc điện thoại này lại được lắp ráp, sản xuất bởi chính bàn tay những người lao động Việt Nam tại nhà máy của VinSmart ở Hà Nội.

Mới đây nhất, nhằm tăng nhanh quy mô sản xuất, VinSmart đã ngỏ ý mua lại các nhà máy sản xuất smartphone của LG tại Trung Quốc, Brazil và Việt Nam. Song do bất đồng về giá chuyển nhượng, thương vụ này không thể hoàn thành.

Có thể thấy, hướng đi của VinSmart tiệm cận với cách làm của Foxconn, sản xuất, gia công thiết bị và linh kiện điện tử cho các thương hiệu lớn, hơn là con đường mà Xiaomi đang đi.

"Chúng tôi là một công ty internet"

Khác với VinSmart của Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập năm 2010, "hạt gạo nhỏ" Xiaomi đến từ Trung Quốc đã kiên quyết cho rằng nguồn sống của mình sẽ nằm ở dịch vụ Internet - quảng cáo, phần mềm, nhạc…

"Chúng tôi không đơn thuần chỉ là một công ty chuyên về phần cứng. Chúng tôi là một công ty internet luôn luôn hướng tới sự sáng tạo", người sáng lập Lei Jun từng nhiều lần khẳng định trước truyền thông.

Để chắc chắn thêm rằng Xiaomi không phải là một công ty phần cứng, CEO Lei Jun còn nổi tiếng với cam kết: "Từ năm 2018, tổng lợi nhuận ròng mảng phần cứng của Xiaomi sẽ không vượt quá 5% mỗi năm. Nếu tỷ lệ lợi nhuận ròng vượt quá 5%, số lợi nhuận dư thừa này sẽ được Xiaomi hoàn trả tới người dùng."

Chúng tôi không đơn thuần chỉ là một công ty chuyên về phần cứng. Chúng tôi là một công ty internet luôn luôn hướng tới sự sáng tạo

Sáng lập Xiaomi ông Lei Jun

Cách mà Xiaomi nói về mình đã luôn cho thấy, phần cứng và kiếm tiền từ phần cứng chưa bao giờ là mục tiêu của họ. Nói là làm, những thiết bị smartphone do Xiaomi sản xuất luôn có giá rẻ hơn rất nhiều so với đối thủ cùng cấu hình.

Để có giá thành sản phẩm rẻ hơn so với đối thủ, Xiaomi đã trực tiếp mở nhà máy sản xuất tại các thị trường chủ lực. Đơn cử, ngoài Trung Quốc, đến nay Xiaomi đang sở hữu 3 cơ sở sản xuất khác tại Ấn Độ và cho biết 99% sản lượng thiết bị tại các nhà máy này đều được dùng để cung cấp cho thị trường nước sở tại.

Nói về việc Xiaomi mở nhà máy tại Việt Nam, theo chuyên gia phân tích, cũng không nằm ngoài mục đích rút ngắn khoảng thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển cho các sản phẩm của hãng phân phối tại Việt Nam. Thông thường các lô hàng của Xiaomi sẽ mất khoảng 6 tuần cho công đoạn này.

Bên cạnh đó, định hướng là một công ty internet sáng tạo, Xiaomi đã phát triển một hệ sinh thái xoay quanh điện thoại thông minh, bao gồm thiết bị ngoại vi di động, phần cứng thông minh và các sản phẩm xoay quanh phong cách sống của người dùng.

Có thể nói, đây mới chính là điểm giao giữa VinSmart và Xiaomi, bởi lẽ công ty công nghệ của Vingroup cũng đặt mục tiêu hướng tới xây dựng hệ sinh thái sản phẩm các thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, tivi, thiết bị IoT (mạng lưới thiết bị kết nối Internet)…

Việc Xiaomi mở nhà máy tại Hải Phòng được giới phân tích nhận định sẽ giải quyết phần nào các rào cản thuế nhập khẩu, vốn là nguyên nhân chính ngăn cản các sản phẩm thiết bị tiêu dùng khác của Xiaomi mở bán tại Việt Nam.

Theo BVSC, quy mô lớn thị trường thiết bị gia dụng Việt Nam đạt xấp xỉ khoảng 2,4 tỷ USD. Theo đó, lĩnh vực này sẽ là mảng cạnh tranh duy nhất giữa VinSmart và Xiaomi khi hãng công nghệ Trung Quốc quyết định mở nhà máy tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường smarthome và các thiết bị điện tử ngoại vi thông minh của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn sơ khởi. VinSmart có lợi thế sân nhà, nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng Việt Nam, trong khi Xiaomi lại có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm đi trước - cơ hội đang chia đều cho cả hai.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thiên Trường

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.