Lợi nhuận ông chủ chuỗi Vuvuzela giảm 80%, mỗi ngày mất gần 1,5 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2020 với tổng doanh thu thuần đạt 4.559 tỷ đồng, giảm 4% so với 2019. Biên lợi nhuận giảm so với con số 61% năm 2019 nhưng vẫn ở mức cao 60%.
Trong năm qua, chi phí bán hàng gồm chi phí nhân công, chi phí thuê mặt bằng, sửa chữa và nhà hàng,… tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Chi phí bán hàng ở mức 2.317 tỷ đồng, tăng so với con số 2.218 tỷ đồng năm 2019. Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) cũng lần lượt tăng 2% và 31% lên 310 tỷ đồng và 21 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ các chi phí liên quan, Golden Gate báo lãi sau thuế 65 tỷ đồng, giảm 80% so với mức lãi 321 tỷ đồng năm trước đó.
Năm 2020, Golden Gate đặt kế hoạch đạt 4.708 tỷ đồng doanh thu và 150 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Song, với kết quả thực tế đạt được kể trên, doanh nghiệp đã không hoàn thành mục tiêu này.
Lãnh đạo Golden Gate từng thừa nhận giai đoạn giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 là một cú sốc lớn đối với 400 nhà hàng với 20 thương hiệu của doanh nghiệp.
Năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, hệ thống chuỗi Golden Gate đã phải đóng cửa trong toàn bộ tháng 3 và hầu hết tháng 4. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đóng cửa hẳn 18 nhà hàng hoạt động không hiệu quả.
"Thay vì liên tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng và mở rộng, đây là khoảng thời gian để công ty nhìn lại và tập trung vào những giá trị cốt lõi nhất", ông Hà Thúc Tú, Giám đốc điều hành chi nhánh miền Nam chia sẻ tại Hội nghị Thương Hiệu 2020 do Forbes Việt Nam tổ chức.
Golden Gate là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực chuỗi nhà hàng đa phong cách, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như chuỗi nhà hàng lẩu Manwah, Kichi-Kichi, Hutong; chuỗi nướng Sumo, GoGi; nhà hàng Nhật Isushi, Daruma; hay bia tươi Vuvuzela…
Với đặc thù kinh doanh nhà hàng chuỗi, tính đến thời điểm 31/12/2020, tổng tài sản của Golden Gate là 2.294 tỷ đồng, tăng so với con số 2.170 tỷ đồng đầu năm.
Trong đó, tiền mặt và tiền gửi gần 400 tỷ đồng, phần còn lại chủ yếu là các khoản phải thu ngắn - dài hạn 402 tỷ đồng, hàng tồn kho 413 tỷ đồng và chi phí trả trước cho công cụ, sửa chữa, cải tạo nhà hàng lên tới 745 tỷ đồng.
Cuối năm 2020, nợ phải trả của doanh nghiệp 1.122 tỷ đồng, tăng gần 18% so với đầu năm. Riêng nợ vay ngắn hạn 1.119 tỷ đồng, trong đó phải trả người bán ngắn hạn 348 tỷ đồng và nợ phải trả người lao động 187 tỷ đồng.
Nói thêm về kế hoạch kinh doanh của Golden Gate trong thời gian tới, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, công ty sẽ tiếp tục tập trung vào chuyển đổi số để quản lý hệ thống nhà hàng khổng lồ của mình.
"Ngành nhà hàng khá chậm trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, Golden Gate vẫn đang thiết lập ứng dụng ERP vào quản trị doanh nghiệp", ông Hà Thúc Tú nói.
Bên cạnh đó, với nhận định trong vòng ba năm tới, Gen Z - thế hệ khách hàng tương lai sẽ chiếm 1/3 dân số, Golden Gate cũng lên kế hoạch ra mắt một ứng dụng tích hợp tất cả những dịch vụ dành riêng cho đối tượng khách hàng này.