Tại sao Hòa Phát nhập khẩu hàng triệu tấn than thay vì dùng than nội?
Ngày 14/4, tàu The Harmony của Công ty cổ phần Vận tải biển Hòa Phát đã chở hơn 80.000 tấn than từ cảng Gladstone (Australia) về Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là hải trình đầu tiên của The Harmony sau khi được Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) mua lại.
Trao đổi với người viết, đại diện Hòa Phát Dung Quất cho biết than ở các mỏ của Việt Nam chủ yếu là than gầy, không phù hợp cho luyện kim. Vì vậy, Hòa Phát thường nhập than mỡ từ nước ngoài, đa phần là Australia, rồi luyện thành than cốc để làm nguyên liệu cho vào lò cao cùng với quặng sắt, đá vôi.
Năm 2020, Hòa Phát nhập khẩu gần 2 tỷ USD máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất, trong đó riêng thị trường Australia chiếm 35% - tương đương 700 triệu USD.
Dự kiến năm 2021, Hòa Phát sẽ nhập từ Australia 4 triệu tấn quặng, 3,5 triệu tấn than các loại, tổng giá trị ước tính 1,44 tỷ USD.
Cuối tháng 2/2021, Hòa Phát đã mua và tiếp nhận hai tàu chở hàng rời cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn để vận chuyển than và quặng sắt cho Khu Liên hợp Dung Quất.
Hiện nay cảng nước sâu Hòa Phát Dung Quất có khả năng tiếp nhận tàu với tải trọng tối đa lên tới 200.000 tấn. Để dễ hình dung, siêu tàu container Ever Given chắn ngang kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 vừa qua có trọng tải 220.000 tấn.
Hòa Phát cho biết khả năng tiếp nhận tàu hàng cỡ lớn giúp giảm chi phí nguyên vật liệu 3-5 USD/tấn.
Theo lời Chủ tịch Trần Đình Long, năm 2020 Hòa Phát nhập khẩu 13 triệu tấn quặng và 7 triệu tấn than, tổng cộng là 20 triệu tấn. Sau khi giai đoạn 2 của khu liên hợp Dung Quất hoàn thành, nhu cầu hàng hóa có thể lên tới 40 triệu tấn mỗi năm. Vì vậy, cảng nước sâu giúp tập đoàn tiết kiệm số chi phí không hề nhỏ.
Cảng nước sâu này cũng giúp việc vận chuyển thành phẩm đi tiêu thụ được thuận tiện hơn. Đại diện Hòa Phát Dung Quất cho biết mỗi tuần có một tàu lớn cập cảng, ngoài ra còn nhiều tàu nhỏ hơn thường xuyên ra vào.