Giá HRC tăng không ngừng nghỉ, biên lợi nhuận doanh nghiệp đầu nguồn cải thiện
Trung Quốc giảm sản lượng, giá HRC tăng vọt
Trung Quốc muốn giảm sản lượng phôi thép trong năm 2021 để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên khi sản lượng giảm xuống thì giá lại tăng lên và khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất. Hệ quả là nơi này cắt giảm nhưng nơi kia lại đẩy lên, về tổng thể nhiều khả năng sẽ không có sự thay đổi nào, S&P Global Platts cho hay.
Giá thép cuộn cán nóng (HRC) nội địa Trung Quốc đầu tháng 4 tăng 12% so với đầu tháng 3 và ghi nhận mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Đợt tăng gần đây nhất được thúc đẩy bởi việc thủ phủ thép Đường Sơn ngừng hoạt động khoảng 30% công suất các lò cao.
Theo S&P Global Platts, các biện pháp cắt giảm sản lượng tương tự Đường Sơn có thể được áp dụng ở những địa phương khác để giúp chính phủ Trung Quốc đạt được mục tiêu giảm sản xuất thép của năm 2021.
Hiệp hội Sắt thép tỉnh Giang Tô ngày 2/4 đã kêu gọi các doanh nghiệp kiểm soát sản lượng. Chính quyền thành phố Tần Hoàng Đảo ở phía bắc Trung Quốc cũng đã sẵn sàng giảm 30% năng lực sản xuất thép.
Năm 2020, tỉnh Giang Tô cho ra lò 121 triệu tấn phôi thép, chiếm 11% tổng sản lượng toàn Trung Quốc. Tần Hoàng Đảo có sản lượng khoảng 12 triệu tấn/năm.
Việc Đường Sơn hạn chế hoạt động của các lò cao đã khiến cho năng lực sản xuất gang từ giữa tháng 3 đến nay đi xuống khoảng 34 triệu tấn/năm. Về lý thuyết, sản lượng gang trên toàn Trung Quốc đã tạm thời giảm từ 1.032 triệu tấn/năm hồi giữa tháng trước xuống còn 998 triệu tấn/năm hiện nay.
Dù vậy, con số này vẫn còn cao hơn khá nhiều so với sản lượng 888 triệu tấn gang của Trung Quốc năm 2020.
Các nhà phân tích của Platts Analytics cho rằng việc biên lợi nhuận tăng lên vì cắt giảm sản lượng ở Đường Sơn sẽ khuyến khích các nhà sản xuất ở những địa phương khác gia tăng hoạt động. Vào cuối tháng 3, các nhà máy thép bên ngoài Đường Sơn mới chỉ vận hành ở 87% công suất tối đa.
Vào ngày 6/4, biên lợi nhuận đối với HRC nội địa Trung Quốc ghi nhận ở mức 138 USD/tấn còn lợi nhuận đối với thép thanh là 111 USD/tấn.
Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, giá HRC còn tăng sốc hơn. Hôm 9/4, một tấn HRC tại Mỹ được bán với giá 1.351,75 USD - mức cao chưa từng thấy trong lịch sử và tăng 210% so với tháng 8/2020.
Hòa Phát, Formosa bán hơn 1,8 triệu tấn HRC
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá HRC ngày 6/4 đang ở mức 795 USD/tấn, bao gồm giá thành và cước vận chuyển (CFR) cảng Đông Á, tăng khoảng 85 USD so với mức giá giao dịch đầu tháng 3 và đã vượt xa mốc 700 USD ngày 8/12/2020.
Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp sản xuất được HRC là Formosa Hà Tĩnh và Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG). Trong tháng 3 vừa qua, tổng sản lượng tiêu thụ đạt xấp xỉ 630.000 tấn, trong đó Hòa Phát chiếm gần 38%.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất của Hòa Phát là miền Bắc với 181.300 tấn, kế đến là miền Nam với 52.500 tấn. Đa phần HRC của Hòa Phát được dùng để nội bộ sản xuất tôn mạ và ống thép, phần dư thừa mới bán ra ngoài. Tại ngày cuối tháng 3, Hòa Phát còn tồn kho 54.300 tấn.
Đại diện Hòa Phát cho biết lượng đơn đặt hàng HRC giao trong quý I/2021 đã vượt 300% năng lực sản xuất của tập đoàn.
Lũy kế cả quý I, Hòa Phát sản xuất 610.000 tấn HRC và tiêu thụ 665.000 tấn, riêng thị trường miền Bắc chiếm 74%. Formosa cho ra lò 1,11 triệu tấn trong ba tháng đầu năm, tiêu thụ 1,18 triệu tấn, thị trường miền Nam chiếm 56,4%, xuất khẩu 27,2%, miền Bắc 16,4%.