Hòa Phát mở rộng sản xuất, tăng hơn 3.000 lao động trong năm COVID
Tập đoàn Hòa Phát cho biết, vào cuối năm 2020, công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn sử dụng tổng cộng 25.428 lao động, tăng 3.128 người so với con số 22.300 của một năm trước.
Do đặc thù doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất công nghiệp nặng nên Hòa Phát thuê mướn lao động nam là chủ yếu, chiếm tỷ lệ 86,5%. Lao động phổ thông chiếm 32,6%, còn lại là các công nhân kỹ thuật và người có bằng từ trung cấp đến đại học, trên đại học.
Thành bại đều nhờ thép
Phân theo các mảng hoạt động, Tổng công ty Gang thép là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất với tỷ trọng 66%. Đây là nhóm doanh nghiệp thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành thép của Hòa Phát, chịu trách nhiệm tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu như quặng sắt, than, … ; vận hành các lò cao để luyện ra nước gang lỏng và sau đó qua lò thổi để cho ra thép.
Các doanh nghiệp trong nhóm này gồm công ty khoáng sản An Thông và các nhà máy luyện thép ở Hưng Yên, Hải Dương và Dung Quất.
Tổng công ty Sản phẩm thép đứng thứ 2 với hơn 4.000 lao động làm việc trong các công ty chuyên sản xuất ống thép, tôn mạ, chế tạo kim loại và điện lạnh. Nhóm doanh nghiệp này sử dụng thép thô và thép cuộn cán nóng (HRC) do Tổng công ty Gang thép cho ra lò để sản xuất các mặt hàng thép thành phẩm khác.
Tổng Công ty Phát triển Nông nghiệp và Phát triển Bất động sản có lần lượt 2.034 và 622 lao động. Công ty cổ phần Nội thất Hòa Phát có 1.877 nhân sự, tuy nhiên vào đầu năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát đã thoái vốn khỏi công ty con này.
Tính chung, nhóm doanh nghiệp thép đang sử dụng đại đa số lao động của Hòa Phát. Trong những năm qua, Hòa Phát đã liên tục đầu tư vào các mảng như nông nghiệp và bất động sản để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh nhưng thép vẫn là lĩnh vực cốt lõi của tập đoàn. Bằng chứng là tỷ lệ lao động trong nhóm ngành thép tăng từ 63% năm 2011 lên 82% năm vừa qua.
Xét về kết quả kinh doanh năm 2020, mảng thép đem về 84% doanh thu và 82% lợi nhuận cho Hòa Phát, theo sau là nông nghiệp và bất động sản.
Năm 2020, Hòa Phát sản xuất 250.000 tấn thức ăn chăn nuôi, 250.000 con heo lấy thịt, 250 triệu quả trứng gà và 150.000 con bò thịt. Tập đoàn đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sản xuất 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi; 500.000 con heo; 300 triệu trứng gà và 250.000 con bò thịt.
Tập trung vào Hòa Phát Dung Quất
Công ty thành viên sử dụng nhiều lao động nhất của tập đoàn là Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi với 10.460 người, chiếm 41% tổng số cán bộ nhân viên của Hòa Phát.
Vốn điều lệ của Hòa Phát Dung Quất cũng là lớn nhất, lên tới 30.000 tỷ đồng, xấp xỉ mức vốn điều lệ hơn 33.100 tỷ đồng của tập đoàn mẹ.
Dự án Khu Liên hợp Dung Quất được triển khai từ năm 2017 với số vốn ước tính ban đầu là 52.000 tỷ đồng, về sau nâng lên thành 65.000 tỷ đồng.
Năm 2018, đại diện Hòa Phát nhận định: Dự kiến khi dự án hoạt động hết công suất, Hòa Phát sẽ đạt doanh thu trên 100.000 tỷ đồng mỗi năm, đóng góp riêng cho ngân sách Quảng Ngãi khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 8.000 lao động.
Thực tế trong năm 2020 vừa qua khi Khu Liên hợp Dung Quất chưa hoàn thành (mới vận hành 3/4 lò cao), Hòa Phát ghi nhận doanh thu hợp nhất hơn 91.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Quảng Ngãi trên 3.000 tỷ đồng (chủ yếu là thuế xuất nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, sản phẩm xuất bán ra thị trường), tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Chung – Phó Giám đốc Công ty Hòa Phát Dung Quất cho biết 95% lao động tại Khu liên hợp này là người địa phương, còn lại là từ Khu Liên hợp Hòa Phát Hải Dương và các tỉnh miền Bắc vào để quản lý cũng như hướng dẫn cho những lao động chưa có kinh nghiệm.
Bản thân ông Chung từng có nhiều năm làm việc tại Hòa Phát Hải Dương, nay đã đưa vợ con vào Quảng Ngãi định cư để tiện cho công tác ở Dung Quất.
Đầu năm 2021, Hòa Phát đã vận hành hầu hết hạng mục chính của Khu liên hợp Dung Quất, trong đó có lò cao số 4 - cũng là lò cao cuối cùng. Tập đoàn dự kiến doanh thu hợp nhất năm nay sẽ đạt 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18.000 tỷ, nộp các loại thuế - phí cho riêng tỉnh Quảng Ngãi khoảng 6.000 tỷ.
Sản lượng từ riêng Dung Quất dự tính khoảng 5 triệu tấn thép, tổng sản lượng toàn tập đoàn khoảng 8 triệu tấn, trong đó có 2,7 triệu tấn HRC.
Tập đoàn đang dự kiến đầu tư thêm khoảng 85.000 tỷ đồng để mở rộng Khu liên hợp Dung Quất, nâng sản lượng thêm 5,6 triệu tấn mỗi năm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/