|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát vay hơn 54.000 tỷ đồng từ những đâu?

06:39 | 08/04/2021
Chia sẻ
Tại ngày cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) vay nợ ngắn hạn và dài hạn tổng cộng hơn 54.000 tỷ đồng, tăng 48% so với ngày đầu năm. Chi phí lãi vay và lượng tiền mặt mà công ty nắm giữ cũng đi lên đáng kể.
Hòa Phát vay hơn 54.000 tỷ đồng từ những đâu? - Ảnh 1.

Logo Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi. (Ảnh: Đức Quyền).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán, tại ngày 31/12/2020, Hòa Phát có dư nợ vay ngắn hạn 31.554 tỷ đồng và vay dài hạn 22.588 tỷ đồng.

Chủ nợ cho Hòa Phát vay dài hạn nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Hà Nội với 8.732 tỷ đồng, tiếp đến là Vietcombank chi nhánh Thành Công với 8.341 tỷ đồng. 

Hòa Phát còn có hạn mức vay 200 triệu USD với Ngân hàng BNP Parisbas, và tại ngày 31/12/2020, tập đoàn đang nợ số USD có giá trị tương đương 4.286 tỷ đồng.

Các chủ nợ dài hạn khác bao gồm Ngân hàng HSBC Việt Nam, Vietcombank chi nhánh Thăng Long, Vietcombank chi nhánh Hoàng Mai và Quỹ bảo vệ môi trường.

Hòa Phát vay hơn 54.000 tỷ đồng từ những đâu? - Ảnh 2.

Nợ vay dài hạn của Hòa Phát. (Trích báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020).

Cần lưu ý rằng có 5.245 tỷ đồng vay dài hạn sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng nên được chuyển sang tính cùng với nợ ngắn hạn.

Sau điều chỉnh này, tổng giá trị nợ vay ngắn hạn là xấp xỉ 36.800 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần ngày đầu năm. Giá trị nợ vay dài hạn (có thời gian đến hạn hơn 12 tháng) là 17.343 tỷ, giảm 2.500 tỷ đồng so với một năm trước.

Hòa Phát không nêu rõ các chủ nợ ngắn hạn là ai nhưng có trình bày về các loại tài sản được dùng để thế chấp cho những khoản vay này.

Cụ thể, các khoản vay ngắn hạn bằng VND và USD với giá trị ghi sổ tương ứng 20.132 tỷ đồng và 2.364 tỷ đồng được đảm bảo bằng: 378,8 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn, 7.677 tỷ đồng hàng tồn kho, gần 56.000 tỷ đồng tài sản cố định hữu hình, 88 tỷ đồng tài sản cố định vô hình, hơn 2.400 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang, 45 tỷ đồng chi phí trả trước dài hạn.

Ngoài ra, một số thành viên Hội đồng quản trị của Hòa Phát cũng dùng cổ phiếu HPG thuộc sở hữu cá nhân làm tài sản thế chấp cho khoản vay của Tập đoàn. Ví dụ, trong năm 2019, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đã thế chấp 109,4 triệu cổ phiếu HPG tại Vietcombank chi nhánh Thành Công.

Theo xếp hạng của Forbes vào tháng 4/2021, ông Trần Đình Long có tài sản ròng 2,2 tỷ USD và đứng thứ 1.444 trong danh sách tỷ phú toàn cầu - tăng 0,9 tỷ USD và cải thiện 312 bậc so với năm 2018.

Tiền mặt đi lên cùng nợ vay

Trong khi nợ ngắn hạn lên cao thì tiền mặt của Hòa Phát cũng tăng nhanh không kém. Tại ngày cuối năm 2020, tổng giá trị tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn của Hòa Phát đạt 21.823 tỷ đồng, cao gấp 3,7 lần ngày đầu năm.

Hòa Phát vay hơn 54.000 tỷ đồng từ những đâu? - Ảnh 3.

Tỷ lệ tiền mặt/nợ ngắn hạn tăng vọt từ 35% ngày 1/1 lên thành 59% ngày 31/12. Tỷ lệ thanh khoản hiện thời (current ratio) không đổi ở khoảng 1,1 lần. Hệ số đòn bẩy (tổng tài sản/vốn chủ sở hữu) nhích nhẹ từ 2,1 lần lên 2,2 lần.

Chi phí lãi vay trong năm 2020 lên tới gần 2.200 tỷ đồng, cao gấp 2,34 lần năm 2019. Tuy vậy, do cả doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát năm 2020 đều tăng trưởng mạnh so với năm trước nên tỷ lệ khả năng trả lãi (EBIT/lãi vay) vẫn cao ở mức 8 lần, tức Hòa Phát đủ sức trả chi phí lãi vay cao gấp 8 lần hiện nay.

Nhu cầu vốn cho Hòa Phát Dung Quất

Dự kiến trong năm sau, giá trị vay nợ cũng như chi phí trả lãi của Hòa Phát sẽ còn lên cao hơn nữa khi tập đoàn này đầu tư giai đoạn 2 của Khu Liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất, Quảng Ngãi.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định là 70.000 tỷ và vốn lưu động là 15.000 tỷ. Thời gian đầu tư ước tính 36 tháng từ ngày khởi công.

Giai đoạn 1 của Khu Liên hợp đã hoàn thành các cấu phần chính với cả 4 lò cao đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay sản lượng thép thô của Hòa Phát đã vượt Formosa Hà Tĩnh. Tháng 3 vừa qua, Hòa Phát đã lần đầu tiên trong lịch sử tiêu thụ trên 1 triệu tấn sản phẩm thép các loại. 

Giá các loại thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) lên cao thời gian gần đây cũng giúp cho Hòa Phát trang trải các loại chi phí cũng như gia tăng lợi nhuận. 

Theo số liệu của Chứng khoán HSC, trong tháng 3, Hòa Phát ba lần điều chỉnh giá thép với tổng mức tăng 3,4%. Vào ngày 3/4 vừa qua, Hòa Phát tiếp tục tăng giá bán thép xây dựng thêm 300.000 đồng/tấn; tương đương tăng 2,1% với thép thanh và 2% với thép cuộn.

Giá thép cuộn hiện nay là 14,95 triệu đồng/tấn, tăng 5,7% so với đầu năm và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép thanh là 14,74 triệu đồng/tấn, tăng 4,6% so với đầu năm và tăng 34,3% so với cùng kỳ. Giá HRC giao tháng 5 là khoảng 760 USD/tấn, tăng 26,7% so với đầu năm.

Đức Quyền