Hòa Phát có gần 22.000 tỷ đồng tiền mặt, tiền gửi; đã chạy lò cao số 4
Lợi nhuận chục nghìn tỷ, tăng tích trữ tiền mặt
Tại ngày 31/12/2020, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đang có trong tay 13.001 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, 8.822 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn; lần lượt cao gấp 2,9 lần và 6,4 lần ngày đầu năm.
Tổng cộng Hòa Phát đang có gần 22.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương 16,6% tổng tài sản.
Năm vừa qua, Hòa Phát đã hoàn thành phần lớn Dự án Khu Liên hợp Gang thép tại Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), nhu cầu đầu tư cơ bản không còn lớn như những năm trước. Nhờ vậy, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long đã có thể dành ra khoảng 1.380 tỷ đồng tiền mặt để trả cổ tức. Trong các năm 2016, 2017 và 2018, Hòa Phát đều không trả cổ tức tiền mặt.
Các hạng mục của Dự án Dung Quất sau khi hoàn thành đã được hạch toán chuyển từ khoản mục tài sản dở dang dài hạn sang tài sản cố định. Vì vậy, giá trị tài sản dở dang cuối kỳ chỉ là hơn 6.200 tỷ đồng, bằng 1/6 ngày đầu năm. Ngược lại, giá trị tài sản cố định tăng hơn gấp đôi lên 65.562 tỷ đồng.
Năm 2020, Hòa Phát đã vận hành ổn định 3/4 lò cao và 4/4 lò thổi tại Dung Quất. Đầu tháng 1/2021, lò cao cuối cùng tiếp tục được đưa vào chạy thử nghiệm và dự kiến sẽ sớm đạt công suất tối đa trong 1-2 tháng.
Bên cạnh việc giảm nhu cầu đầu tư cơ bản, một nhân tố khác giúp tập đoàn gia tăng tiền mặt là hoạt động kinh doanh khả quan.
Riêng quý IV/2020, Hòa Phát ghi nhận 25.778 tỷ đồng doanh thu và 4.660 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 43% và 142% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm ngoái, Hòa Phát đạt doanh thu thuần hợp nhất 90.119 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2019; lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 13.506 tỷ đồng, tăng 78%. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương hơn 9.000 tỷ đồng.
Biên lãi gộp và biên lãi ròng của hòa Phát trong năm vừa qua lần lượt là 21% và 15%, tăng đáng kể so với mức 17,6% và 11,9% của năm 2019.
Tổng tài sản hợp nhất ngày cuối năm đạt 131.511 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu tăng thêm hơn 11.400 tỷ đồng nhờ tích lũy lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh; nợ phải trả tăng khoảng 18.300 tỷ đồng, chủ yếu do Hòa Phát vay ngắn hạn thêm gần 20.000 tỷ đồng và trả nợ dài hạn 2.500 tỷ đồng.
Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản ngày 31/12 là 45%, thấp hơn so với mức 47% ngày đầu năm. Chi phí lãi vay cả năm 2020 vừa qua là 2.207 tỷ đồng, cao gấp 2,36 lần năm 2019.
Triển vọng đầu năm 2021
Trong quý IV/2020, Hòa Phát tiêu thụ 913.000 tấn thép xây dựng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ phôi thép đạt 370.000 tấn, tăng 168% so với cùng kỳ; tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) khoảng 470.000 tấn, cao gấp đối so với quý liền trước (năm 2019 Hòa Phát chưa sản xuất HRC).
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và phôi thép trong quý IV lần lượt giảm 6% và 29% so với quý III. Theo phân tích của Chứng khoán SSI, nguyên nhân có thể là do việc phân bổ tỷ trọng sản lượng sản xuất HRC cao hơn, mang lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với thép xây dựng và phôi thép.
Lũy kế cả năm 2020, sản xuất phôi thép của Hòa Phát đạt kỷ lục 5,8 triệu tấn, cao gấp đôi so với năm trước. Trong đó, sản lượng phôi thép và thép xây dựng thành phẩm là 5,1 triệu tấn, còn lại là thép cuộn cán nóng với 686.000 tấn.
Riêng thép xây dựng thành phẩm đạt 3,4 triệu tấn (tăng 22,5%), thị phần tăng từ 26,2% năm 2019 lên 32,5% năm 2020.
Riêng trong quý IV, Hòa Phát đạt tỷ suất lợi nhuận ròng 18%, tăng đáng kể từ mức 10,7% trong quý IV/2019 và 15,3% trong quý III/2020. Theo Chứng khoán SSI, sự cải thiện này đến từ ba nguyên nhân là:
(1) gia tăng công suất hoạt động ở tất cả các lò cao giúp giảm chi phí cố định trên mỗi sản phẩm;
(2) gia tăng sản lượng HRC là sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn thép xây dựng, phôi thép, và
(3) giá thép tăng.
Giá thép xây dựng tại Việt Nam tăng khoảng 28% trong quý cuối năm 2020 theo đà tăng giá thép trên thế giới cũng như giá nguyên liệu. Giá quặng sắt và thép phế liệu tăng tương ứng 37% và 57% do nguồn cung quặng sắt bị gián đoạn và Trung Quốc quay trở lại nhập khẩu thép phế liệu.
Chứng khoán SSI cho rằng Hòa Phát đã chuyển toàn bộ phần tăng của giá quặng sắt vào giá thép vì: (1) giá thép phế liệu tăng cao, làm ảnh hưởng đáng kể đến chi phí sản xuất của các đối thủ Hòa Phát (những công ty sử dụng lò hồ quang điện) và thúc đẩy giá thép tăng; và (2) sản lượng tiêu thụ HRC tăng tích cực giúp các lò cao đạt hết công suất và giảm bớt áp lực lên sản lượng tiêu thụ của mảng thép xây dựng, cho phép công ty đặt giá bán ở mức hấp dẫn.
Chứng khoán HSC cho biết Hòa Phát đã nâng giá thép xây dựng10 lần trong hai tháng cuối năm 2020, với mức tăng tổng cộng là 25-28% lên lần lượt 14,15 triệu đồng/tấn thép cuộn và 14,09 triệu đồng/tấn thép thanh.
Lò cao thứ 4 của Dung Quất đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 1/2021, nâng tổng công suất sản xuất phôi thép của Hòa Phát lên khoảng 8 triệu tấn/năm, vượt qua công suất của Formosa Hà Tĩnh. Công suất thép HRC là 3,5 triệu tấn/năm và dự kiến sẽ đạt sản lượng tối đa trong vòng hai năm tới.
SSI dự báo lợi nhuận ròng của Hòa Phát duy trì đà tăng trưởng mạnh, đạt 17.000 tỷ đồng (tăng 26%) trong cả năm 2021 nhờ mảng thép. Trong đó lợi nhận gộp mảng thép ước tính tăng 30,4% so với năm vừa qua, đạt 21.500 tỷ đồng và chiếm 87% tổng lợi nhuận gộp của tập đoàn.
Ngoài ra, Hòa Phát còn có thể ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi mảng nội thất. Theo báo cáo tài chính quý IV/2020 mới công bố, Công ty cổ phần Nội Thất Hòa Phát có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Hòa Phát sở hữu 99,6%.
Với việc lò cao cuối cùng đi vào hoạt động trong tháng 1/2021, tổng sản lượng sản xuất thép thô trong năm 2021 tăng 37% đạt 8 triệu tấn. Bản thân Hòa Phát đặt mục tiêu bán ra 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng.