|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

10 ngày 3 đợt tăng, giá thép xây dựng chạm mốc 19 triệu đồng/tấn

10:14 | 12/03/2022
Chia sẻ
Chỉ trong 10 ngày đầu tháng 3, giá thép xây dựng đã có 3 đợt tăng liên tiếp với tổng điều chỉnh từ 600.000 đồng lên tới 1,4 triệu đồng/tấn. Điển hình như giá thép của thương hiệu Pomina, thép Thái Nguyên hiện đã chạm mốc 19 triệu đồng/tấn.

Giá thép xây dựng chạm mốc 19 triệu đồng/tấn

Trong đợt điều chỉnh ngày 10/3, thép Thái Nguyên có mức tăng mạnh nhất với 810.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính. Cụ thể, thép cuộn CB240 có giá mới là 18,9 triệu đồng/tấn, còn thép thanh vằn D10 CB300 có giá 19,08 triệu đồng đồng/tấn, theo số liệu của Steelonline.

10 ngày 3 đợt tăng, giá thép xây dựng chạm mốc 19 triệu đồng/tấn - Ảnh 1.

(Nguồn: Steelonline)

Tương tự với thương hiệp thép Pomina. Dòng thép cuộn CB240 tăng 600.000 đồng/tấn, lên mức 18,8 triệu đồng/tấn; còn thép thanh vằn D10 CB300 tăng 610.000 đồng/tấn, hiện có giá 19,08 triệu đồng/tấn.

10 ngày 3 đợt tăng, giá thép xây dựng chạm mốc 19 triệu đồng/tấn - Ảnh 2.

(Nguồn: Steelonline)

Còn thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 tại cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Tại miền Bắc giá thép cuộn CB240 đã lên mức 18,3 triệu đồng/tấn; giá thép thanh vằn CB300 ở mức 18,4 triệu đồng/tấn. Còn tại miền Trung và miền Nam, hai sản phẩm này cũng có mức giá lần lượt là 18,3 triệu đồng/tấn và gần 18,5 triệu đồng/tấn.

10 ngày 3 đợt tăng, giá thép xây dựng chạm mốc 19 triệu đồng/tấn - Ảnh 3.

(Nguồn: Steelonline)

Như vậy, sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu đã phá đỉnh năm 2021 và thiết lập kỷ lục mới. Trước đó, năm 2021 có thời điểm giá thép xây dựng của Hòa Phát đạt khoảng 18 triệu đồng/tấn.

Những động lực đưa giá thép xây dựng lên kỷ lục mới

Ngoài động lực từ xuất khẩu như năm 2021, giá thép xây dựng cũng đang được hỗ trợ bởi đầu tư công và giá nguyên liệu.

Cụ thể, trong báo cáo ngành thép quý I, CTCK Vietcombank (VCBS) cho biết Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với hai nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).

Do đó, khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, VCBS cho rằng giá bán thép và giá thành sản xuất thép sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng, nguyên liệu tăng cao sau căng thẳng Nga - Ukraine.

Hiện giá của dầu, khí, than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy giá thép tăng mạnh kể từ cuối tháng 2 đến nay.

Ở một khía cạnh khác, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng các dự án đầu tư công giai đoạn 2021 -2025 cũng là một yếu tố quan trọng tạo động lực cho giá thép.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua với tổng vốn đầu tư lên tới 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Các dự án giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất khi tổng chi cho các dự án giao thông đạt hơn 570.000 tỷ đồng, tương đương 42,3% ngân sách trung ương.

Điển hình như các dự án lớn như xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía đông giai đoạn 2021-2025, cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1…

Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho rằng các nhà sản xuất thép xây dựng có thể được hưởng lợi từ xu hướng này. Song mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt về giá bán và xâm lấn thị phần của nhau.

Phạm Mơ