Ba ông lớn ngành thép sẽ được hưởng lợi tại thị trường châu Âu do xung đột Nga - Ukraine?
Thép Việt Nam sẽ được hưởng lợi tại EU
Xung đột giữa Ukranie và Nga có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng thép trên thế giới, dẫn tới thiếu hụt nguồn cung và làm tăng giá thép:
Nga là nước xuất khẩu thép lớn trên thế giới, đặc biệt tại thị trường Châu Âu (chiếm 15% thị phần xuất khẩu vào EU, cùng với 2 nước có liên quan là Ukraine và Belarus thì tổng xuất khẩu thép của 3 nước này vào EU chiếm 38%).
Tại EU, Nga và Ukraine lần lượt là 2 quốc gia xuất khẩu thép lớn thứ 2 và 4 vào khu vực này trong 11 tháng đầu năm 2021 với khoảng 21% tổng sản lượng, theo Eurofer.
Do đó, VBCS nhận định khi thế giới bắt đầu triển khai các biện pháp trừng phạt Nga sẽ dẫn tới việc thiếu hụt mạnh nguồn cung trong khi nhu cầu thép vẫn đang hồi phục nhanh trong 2022 sau đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo tháng từ ngày 24/2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine (bao gồm Metinvest và ArcelorMittal) đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
Điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà sản xuất xuất khẩu thép từ các thị trường khác, tiêu biểu như CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với tăng trưởng doanh thu trong năm 2021 chủ yếu đến từ xuất khẩu sang thị trường EU.
Giá bán thép và giá thành sản xuất thép cũng sẽ tăng do giá các mặt hàng năng lượng tăng cao. Hiện, Nga cũng là nước xuất khẩu các mặt hàng năng lượng quan trọng trên thế giới.
Giá dầu, giá khí và giá than đang tăng rất nhanh và gần như quay lại mức đỉnh cũ lập ra trong năm 2021, điều này khiến cho giá thành sản xuất thép tăng trở lại.
Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ làm thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng cho Châu Âu.
Việc giá thép quay trở lại sẽ giúp các nước có chi phí sản xuất thép thấp như Việt Nam được hưởng lợi, và giá thép tăng sẽ giúp các doanh nghiệp Nam Kim, Hoa Sen và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) hưởng lợi.
VCBS đánh giá cao khả năng các doanh nghiệp Nam Kim, Hoa Sen và Hòa Phát có thể tiếp tục duy trì được quy mô doanh thu và lợi nhuận sang năm 2022 dựa trên việc giá thép đang quay trở lại với nguyên nhân chính đến từ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của Việt Nam có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới.
Tỷ trọng thép xuất khẩu sang EU tăng mạnh
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, EU đứng thứ 3 trong top các thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam chiếm 13% tỷ trọng (tương đương 1,6 triệu tấn) trong năm 2021. Con số này tăng tới hơn 10 điểm phần trăm so với năm 2020 (2,86%).
Trong báo cáo thường nhiên 2020 - 2021 của mình, Hoa Sen nhận định Hiệp định EVFTA tiếp tục tác động tích cực đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và EU khi tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2021 vẫn ổn định so với năm 2020, trong khi xuất khẩu sắt thép các loại là mặt hàng có mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất.
Năm ngoái, cả Nam Kim và Hoa Sen đã tận dụng được sự thiếu hụt trong nguồn cung thép tại thị trường Châu Âu để xuất khẩu.
Điều này giúp Nam Kim ghi nhận doanh thu thuần 28.173 tỷ đồng và lãi ròng 2.225 tỷ trong năm 2021, lần lượt cao gấp 2,4 lần và 7,5 lần năm 2020 và vượt xa kế hoạch đề ra.
Hay với Hoa Sen, doanh thu 48.727 tỷ đồng, tăng 77% trong niên độ tài chính 2020-2021 (từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021). Lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục 4.313 tỷ, cao gấp 3,74 lần niên độ trước và vượt 188% kế hoạch mà đại hội cổ đông đề ra.
Ngay từ đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu thép sang thị trường châu Âu của các doanh nghiệp lớn cũng đã bắt đầu sôi động.
Đầu tháng 2, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italy với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của Tập đoàn Hòa Phát.
Với sản phẩm HRC, Tập đoàn Hòa Phát hiện đang ưu tiên tối đa cho thị trường trong nước, do Việt Nam còn thiếu hàng triệu tấn mỗi năm.
Trong năm 2021, Thép Hòa Phát Dung Quất đã cung cấp ra thị trường 2,6 triệu tấn thép HRC, trong đó lượng xuất khẩu chỉ chiếm chưa đầy 30.000 tấn.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.
"Nhiều khách hàng nước ngoài đang muốn đặt mua HRC nhưng Hòa Phát chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường.
Đây cũng là động lực để Tập đoàn đẩy mạnh triển khai dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, tập trung sản xuất thép cuộn cán nóng với công suất 5,6 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát đạt khoảng 14 triệu tấn/năm, trong đó có 8,6 triệu tấn HRC", Hòa Phát cho biết.
Với Nam Kim, trong năm 2022 công ty dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 tấn công suất tẩy mạ nhờ mở rộng nhà máy ở Bình Dương và tái cơ cấu kho hàng. Trong tháng 6 năm ngoái, Nam Kim đã hoàn tất mua thêm 5 ha xưởng ở Bình Dương khi thâu tóm công ty Dea Myung với giá khoảng 5,5 triệu USD, nhằm chuẩn bị cho mở rộng dây chuyền tẩy hiện có.
Hiện, giá thép HRC tại châu Âu hiện đang trong xu hướng phục hồi sau đà giảm mạnh cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, VBCS nhận định: "Cần lưu ý rằng hiện EU vẫn áp thuế nhập khẩu thép dựa trên hạn mức xuất khẩu, do đó tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong 2022 sẽ không còn cao như 2021".