|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lỗ lũy kế của Vinachem tăng vọt lên gần 5.400 tỷ đồng, kiểm toán bêu tên các dự án phân đạm

07:57 | 11/05/2021
Chia sẻ
Khoản lỗ hơn 2.000 tỷ trong năm 2020 đã khiến lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2020 của Vinachem tăng vọt lên 5.393 tỷ đồng.

Cả năm 2020 lỗ hơn 2.000 tỷ đồng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 do Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC kiểm toán với doanh thu thuần đạt 37.113 tỷ đồng, giảm 9% so với năm trước.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 271 tỷ đồng lên 2.556 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí lãi vay, đồng thời doanh nghiệp phải chịu chi phí hoạt động (bán hàng và quản lý doanh nghiệp) hơn 3.907 tỷ đồng nên cả năm, Vinachem lỗ 2.010 tỷ đồng sau thuế.

Trước đó tại hội nghị tổng kết năm, ban lãnh đạo cho biết doanh thu năm của tập đoàn đạt 32.564 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch năm, giảm 7,3% so với năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất toàn tập đoàn đạt 1.687 tỷ đồng, bằng kế hoạch năm và tăng 12,8% so với năm 2019.

Vinachem - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh của Vinachem năm 2020. (Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2020 của Vinachem).

Vinachem - Ảnh 2.

Lợi nhuận sau thuế của Vinachem trong những năm qua. (Nguồn: MH tổng hợp từ BCTC hợp nhất kiểm toán của Vinachem).

Vinachem gánh hơn 22.100 tỷ đồng nợ vay, kiểm toán đưa loạt ý kiến ngoại trừ

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Vinachem hơn 49.797 tỷ đồng, giảm hơn 4.251 tỷ so với đầu năm. Trong đó, tiền nhàn rỗi và tiền gửi ngân hàng dưới một năm tăng 611 tỷ đồng lên 4.434 tỷ, chiếm khoảng 9% tổng tài sản.

Vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2020 xấp xỉ 11.875 tỷ đồng. Khoản lỗ trong năm đã khiến Vianchem lỗ đậm lên 5.393 tỷ đồng tính đến hết năm 2020.

Tập đoàn có gần 34.283 tỷ đồng nợ phải trả tính đến hết năm 2020, giảm 1.650 tỷ so với đầu năm và chiếm 69% tổng nguồn vốn, tập trung chính vào nợ ngắn hạn. Tổng nợ đi vay của tập đoàn hơn 22.100 tỷ đồng, đã giảm khoảng 3.200 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn lưu động của tập đoàn âm 6.966 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020.

Phía kiểm toán AASC đã đưa ra loạt ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Cụ thể, theo kiểm toán, tại thời điểm cuối năm, một số dự án tại Lào, dự án đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám, dự án DAP số 2 và dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao nhưng đến nay chưa được quyết toán dự án nên có thể phát sinh các khoản công nợ trong tương lai và dự án không hiệu quả.

Đồng thời, kiểm toán cho rằng Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, CTCP DAP số 2 - Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại của kiểm toán nhà nước và Bộ Công Thương. Ngoài ra, kiểm toán cho rằng công ty Đạm Ninh Bình không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ vay và lãi vay đến hạn.

Tính đến cuối năm ngoái, một số khoản vay của Vinachem cho Đạm Ninh Bình vay là 1.309 tỷ đồng dư nợ gốc quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 771 tỷ đồng. Nợ gốc quá hạn do DAP số 2 vay ngân hàng gần 1.635 tỷ đồng, lãi phạt chậm nộp là 1.754 tỷ đồng,...

Bên cạnh đó, tại cuối năm 2020, kiểm toán cho biết trên báo cáo tài chính của các công ty Đạm Ninh Bình, DAP số 2 - Vinachem, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty Phân bón và Hóa chất Cần Thơ, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn, lỗ lũy kế làm âm vốn chủ sở hữu. Dự án muối mỏ tại Lào của Vinachem có thể bị dừng thực hiện cho không đạt hiệu quả kinh tế.

Do đó, AASC "nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục" của các công ty nêu trên do chưa tìm đủ bằng chứng cho thấy các công ty này có khả năng trả nợ cho các khoản nợ đến hạn và quá hạn hay không.

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.