Hà Nội 16 °C | 02:27PM, 22/12/2024
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp phân bón lãi đậm, kỳ vọng vào thuế VAT

11:08 | 17/07/2024
Chia sẻ
Một số công ty phân bón ghi nhận kết quả tích cực trong quý II như Supe Lâm Thao, Phân lân Ninh Bình. Thậm chí, một số đơn vị thuộc Vinachem còn báo lãi tăng bằng lần.

Trong bối cảnh khó khăn của tình trạng dư cung phân bón, các doanh nghiệp trong ngành đang dần tìm được giải pháp để cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh, từ tìm kiếm thêm động lực của thị trường xuất khẩu đến đầu cơ nguyên liệu và tiết giảm chi phí...

Thực tế theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu hơn 900.000 tấn phân bón các loại, tương đương hơn 362 triệu USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ giúp giải tỏa bớt áp lực trong nước.

Lãi đậm theo nhiều cách

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thông tin, trong nửa đầu năm nay, ở nhóm công ty con của Vinachem, giá trị sản xuất theo giá thực ước đạt 27.136 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Một số đơn vị trong tập đoàn có lãi tăng so với cùng kỳ như: CTCP DAP - Vinachem (Mã: DDV) bằng 46 lần, CTCP Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) bằng 5 lần, CTCP Phân bón và Hóa chất Cần Thơ bằng 4 lần.

 Một số đơn vị của Vinachem báo lãi đậm trong quý II. (Ảnh minh hoạ: BFC).

Mới đây, CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) cũng cho biết trong quý II công ty ghi nhận 605 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty đã mua được nguyên liệu đầu vào hợp lý như lưu huỳnh, kali... nên tỷ trọng giá vốn thấp hơn nhiều. Vì thế lãi gộp tăng trưởng 39% lên gần 175 tỷ đồng. 

Trừ hết chi chi phí, Supe Lâm Thao ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 67 tỷ đồng, tăng 108% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất tính từ đầu năm 2016 đến nay. 

Luỹ kế nửa đầu năm, Supe Lâm Thao ghi nhận doanh thu thuần vượt mốc 2.000 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 120 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ.

So với mục tiêu doanh thu 3.400 tỷ đồng, lãi trước thuế 136 tỷ đồng đặt ra trong năm nay. Công ty đã thực hiện 60% chỉ tiêu doanh thu, vượt 10% kế hoạch lợi nhuận.

Nguồn: Huy Lê tổng hợp từ BCTC.

Một công ty khác trong nhóm phân bón là CTCP Phân lân Ninh Bình (Mã: NFC) cũng báo lãi lớn trong quý II. Công ty ghi nhận 297 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ.

Phân lân Ninh Bình báo lãi sau thuế 16 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi quý cao nhất kể từ khi công ty niêm yết.

Lũy kế bán niên, công ty đạt 576 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 26,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 47%, 42% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Năm 2024, Phân lân Ninh Bình lên kế hoạch 714 tỷ đồng doanh thu và 26,6 tỷ đồng lãi sau thuế. Kết thúc hai quýcông ty thực hiện được 81% kế hoạch doanh thu và hơn 99% mục tiêu lợi nhuận.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

Dù chưa công bố BCTC như các doanh nghiệp nhưng trong thông báo mới đây của Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau cũng hé lộ nhiều thông tin tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) cho biết đã sản xuất khoảng 553.000 tấn phân bón và hóa chất, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, công ty xuất khẩu gần 100.000 tấn phân đạm ure, tăng 50% so với cùng kỳ, với giá bình quân tăng hơn 8% so với năm 2023.

Tổng sản lượng kinh doanh phân bón ước đạt 694.400 tấn, tổng sản lượng kinh doanh hóa chất 63.600 tấn, tăng lần lượt 5%, 20% so với cùng kỳ.

Theo Đạm Phú Mỹ, có được sự tăng trưởng tốt trong tiêu thụ như trên là do công ty duy trì nhịp sản xuất an toàn, ổn định cũng như liên tục mở rộng thành công các sản phẩm, thị trường mới.

Năm nay, Đạm Cà Mau lên trên kịch bản sản xuất 892.000 tấn sản lượng ure quy đổi và 180.000 tấn NPK. Về tiêu thụ, công ty lên kế hoạch bán 748.500 tấn ure, NPK 180.000 tấn.

Còn đối với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM), 6 tháng đầu năm nay, công ty đã sản xuất được 502.080 tấn ure, tiêu thụ ure 453.210 tấn, thực hiện được lần lượt 56%, 61% kế hoạch năm đặt ra.

Đối với NPK, công ty đã sản xuất được 98.490 tấn, hoàn thành 54% mục tiêu năm. Tiêu thụ 76.880 tấn NPK, hoàn thành 42% kế hoạch năm.

Trong báo cáo về Đạm Cà Mau mới đây, Chứng khoán DSC kỳ vọng công ty sẽ vượt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đặt ra nhờ ba yếu tố.

Thứ nhất là thị phần của công ty tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dự kiến tăng mạnh từ thương vụ mua lại nhà máy KVF. Thứ hai là giá ure có thể tiếp tục tăng khi nguồn cung thắt chặt. Thứ ba là các yếu tố chi phí khấu hao giảm, tỷ trọng khí tự nhiên nội địa tăng, và luật thuế VAT sửa đổi sẽ hỗ trợ lợi nhuận tăng.

Kỳ vọng nửa cuối năm

Dự báo về tình hình nửa cuối năm 2024, Vinachem cho rằng xu hướng kinh tế chủ đạo là nguồn cung vẫn tăng nhưng nhu cầu chưa được cải thiện. Bên cạnh đó là giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại. Vì thế, đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị trong tập đoàn.

Nguồn: Agriseco.

Trong báo cáo phân tích biến động giá hàng hóa và cơ hội đầu tư giai đoạn cuối năm 2024, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã chỉ ra, giá phân bón đã bắt đầu hồi phục sau khi chạm đáy vào tháng 5 khi giá khí đốt tự nhiên hồi phục và cuộc tấn công tại Biển Đỏ làm giá cước vận tải tăng cao.

Trong thời gian tới, đơn vị phân tích dự báo giá ure có thể tăng nhẹ nhờ nguồn cung toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt do Nga và Trung Quốc hạn chế xuất khẩu để ổn định thị trường trong nước. Nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng 1,4% so với năm 2023.

Ngoài ra, có một yếu tố khác có thể hỗ trợ các doanh nghiệp phân bón trong thời gian tới là Luật Thuế VAT sửa đổi đã được thảo luận tại kỳ họp Quốc Hội thứ 7 (từ 20/5 đến 28/6) và sẽ được biểu quyết để thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Điểm sửa đổi lần này là đưa phân bón vào danh mục chịu thuế VAT 5% (từ diện không chịu thuế). 

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, hiện tại giá phân bón trong nước cao hơn giá phân bón nhập khẩu một phần là do giá thành cao hơn khi các doanh nghiệp sản xuất phải chịu thêm chi phí VAT 10% (do không được khấu trừ).

Nếu Luật thuế VAT sửa đổi được thông qua, giá thành sản xuất phân bón trong nước có thể giảm, đồng thời giá bán phân bón nhập khẩu sẽ tăng thêm 5% do thuế VAT. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa.

Lâm Anh