Dệt may Bangladesh lao đao, doanh nghiệp Việt Nam có được hưởng lợi?
Bangladesh hiện là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Trung Quốc) và là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ của Việt Nam. Quốc gia này sở hữu lực lượng lao động lớn, chi phí nhân công rẻ và có nhiều nhà máy dệt may đạt tiêu chuẩn xanh.
Tuy nhiên, dệt may tại Bangladesh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình chính trị trong nước bất ổn. Mới đây, Hiệp hội Nhà máy Dệt Bangladesh đã thông báo đóng cửa tất cả các nhà máy thành viên trong ba ngày.
Thông tin từ tờ Business Standard (Bangladesh), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may ở quốc gia này đang phải chứng kiến số lượng đơn hàng giảm từ 25 - 40% và giá xuất khẩu cũng đang phải chịu sự sụt giảm.
Nhận định về tình hình trên, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng, dệt may nước ta sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới khi năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh suy giảm khiến khách hàng chuyển đơn hàng sang nước khác để bù đắp số lượng thiếu hụt.
Trong khi đó, Bangladesh sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực như niềm tin của khách hàng "đi xuống", lợi thế về chi phí nhân công suy giảm khi sức ép tăng lương cho lao động dệt may ở nước này gia tăng.
Ngành dệt may đón tín hiệu phục hồi
Theo thống kê, thị trường dệt may Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 16,5 tỷ USD tăng gần 5% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng đã tăng trưởng trở lại trong tháng 6 nhờ sự cải thiện từ thị trường Mỹ trong khi các thị trường khác vẫn còn yếu.
Theo đánh giá của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT), trong nửa đầu năm, ngành dệt may đã có dấu hiệu phục hồi. Hiệu quả ngành may tương đối tốt nhờ lượng đơn hàng nhiều. Doanh nghiệp bố trí sản xuất tốt hơn mặc dù đơn giá không cao, đơn hàng nhỏ lẻ, thời gian giao hàng gấp.
Kết quả, Vinatex báo lãi sau thuế gần 132 tỷ đồng trong quý II, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất 7 quý của công ty.
Quý này, CTCP May Sông Hồng (Mã: MSH) cũng báo lãi sau thuế tăng 8% so với cùng kỳ lên 92 tỷ đồng nhờ tiết giảm các chi phí hoạt động và doanh thu tài chính tăng.
Theo Chứng khoán Dầu khí (PSI), tiềm năng tăng trưởng về xuất khẩu của May Sông Hồng trong nửa cuối năm là khả thi. Căn cứ vào việc trong 5 tháng đầu năm nay, lượng nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động dệt may của công ty tăng 14% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, việc đưa nhà máy Xuân Trường 2 với quy mô 50 chuyền may vào vận hành vào cuối năm sẽ giúp tăng năng lực sản xuất trong dài hạn. Vì hiện nay, Sông Hồng 10 - nhà máy chuyên sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác lớn của công ty đã hoạt động hết công suất.
Một tên tuổi khác trong ngành dệt may là CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) cũng báo kết quả kinh doanh tích cực trong quý II. Cụ thể, công ty báo lãi sau thuế tăng 62% so với cùng kỳ lên 86 tỷ đồng, mức cao nhất gần 2 năm qua, nhờ khai thác các dòng hàng khó và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hai thị trường lớn của TNG là Mỹ và EU được đánh giá là đã tránh khỏi suy thoái kinh tế và dần dần tháo gỡ chính sách tiền tệ thắt chặt để thúc đẩy tăng trưởng. Doanh số bán lẻ quần áo Mỹ có dấu hiệu hồi phục, cùng với tồn kho quần áo đang ở mức thấp. Do đó, TNG có thể sẽ được hưởng lợi khi chi tiêu cho may mặc hồi phục, kết hợp với Decathlon (khách hàng lớn) tăng cường đặt hàng nhằm phục vụ cho Olympic.
CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công - Mã: TCM) là doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến nhờ vào hiệu ứng nền thấp cũng như lượng đơn hàng đang phục hồi tích cực.
Về tình hình đơn hàng, Dệt may Thành Công đã và đang nhận khoảng 90% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý III và khoảng 86% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý IV. Chứng khoán DSC cho rằng với việc nhu cầu tiêu thụ thường tăng mạnh vào cuối năm cũng như lượng hàng tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chính dần suy giảm, giá đơn hàng dự kiến hồi phục sẽ giúp cho kết quả của công ty cải thiện trong thời gian tới.
Trái với bức tranh tươi sáng của nhiều doanh nghiệp dệt may, CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) gây thất vọng trong quý II khi báo lỗ sau thuế kỷ lục gần 56 tỷ đồng do doanh số bán hàng thấp và ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán đồng thời ghi nhận khoản lỗ lớn từ chênh lệch tỷ giá.
Trong buổi gặp gỡ trực tuyến giữa nhà phân tích với Sợi Thế Kỷ, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong nửa cuối 2024, công ty ước tính doanh thu đạt gần 1.327 tỷ đồng và lãi sau thuế 149 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng 109% so với nửa đầu năm với sản lượng tái chế tăng 192%.
Sản lượng quý III ước đạt 8.500 tấn (bao gồm khoảng vài trăm tấn từ đơn hàng quý II) và sản lượng quý IV ước đạt 15.000 tấn. Công ty cho rằng sản lượng quý III dễ đạt được do nhu cầu hiện nay là khoảng 3.000 tấn/tháng tuy nhiên do công ty đang khắc phục lỗi của hệ thống đóng gói tự động nên sẽ thấp hơn 9.000 tấn.
Còn trong quý cuối năm, sản lượng tăng cao nhờ mùa cao điểm hàng năm và nhà máy Unitex hoạt động.
Cơ hội nào cho ngành dệt may sắp tới?
Trong báo cáo mới đây về ngành xuất nhập khẩu, Chứng khoán Dầu khí (PSI) dự báo các đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may sẽ hồi phục rõ rệt kể từ quý IV khi đây cũng là thời điểm các nhãn hàng bắt đầu chuẩn bị cho vụ xuân hè năm 2025.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may khó tăng cao do chi phí nhân công tăng khi mà mức lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7 (chi phí nhân công thường chiếm 30-50% tổng chi phí sản xuất).
Quan điểm này cũng tương đồng với Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) khi cho rằng biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp dệt may khó tăng cao trong nửa cuối 2024 do mức lương tối thiểu tăng. Vì chi phí nhân công tại các doanh nghiệp dệt may thường chiếm từ 30-50% tổng chi phí sản xuất nên mức lương tăng sẽ kìm hãm đà tăng biên gộp.
Ngoài ra, giá bán khó tăng cao do sự cạnh tranh của các nước đối thủ khi dự báo đồng tiền của Bangladesh, Indonesia và Mexico đều mất giá cao so với đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ cấu hàng xuất khẩu các mặt hàng chính của Bangladesh như Việt Nam.
Một nguyên nhân khác là đến từ nhu cầu tại Mỹ vẫn còn yếu do tình hình thị trường lao động chậm lại, gây hạn chế tăng trưởng thu nhập, buộc nhiều gia đình phải hạn chế chi tiêu do dự trữ tiết kiệm giảm và gánh nặng nợ cao hơn.