Báo cáo quý II gây thất vọng: Gọi tên Sợi Thế Kỷ, Navico, Đức Giang, PV Power
Nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào mùa báo cáo kinh doanh quý II với sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp sản xuất, tuy nhiên, một số đơn vị ghi nhận kết quả dưới mong đợi, thậm chí lợi nhuận còn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực.
Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) gây thất vọng khi ghi nhận hơn 303 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi gộp chưa đầy 10 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 84% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân do doanh số bán hàng thấp và ghi nhận chi phí ngưng máy vào giá vốn hàng bán khi công ty ngưng nhiều máy nhằm hạn chế gia tăng thêm thành phẩm tồn kho trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu. Đơn vị cũng chịu tác động kép từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả, công ty ngành sợi báo lỗ sau thuế gần 56 tỷ đồng, mức lỗ cao nhất trong một quý từ trước đến nay và kém xa số lãi hơn 37 tỷ đồng trong quý II/2023.
Tình hình ảm đạm của doanh nghiệp xuất hiện từ quý I khi lợi nhuận giảm tới 56% so với cùng kỳ, chỉ còn 700 triệu đồng. Luỹ kế nửa đầu năm, Sợi Thế Kỷ lỗ gần 55 tỷ đồng và cách rất xa mục tiêu có lãi 300 tỷ đã được đề ra.
Tổng giám đốc Đặng Triệu Hòa trong cuộc họp cổ đông gần nhất nói rằng có nền tảng cho kế hoạch tham vọng, bởi nhận thấy sự phục hồi của thị trường chung, nhu cầu các thương hiệu tăng lên do tồn kho đang ở mức thấp và kết hợp với sự dịch chuyển đơn hàng về Việt Nam.
Lãnh đạo Sợi Thế Kỷ cho biết sản lượng bán ra ước tính cho quý I khá thấp quanh 5.400 tấn nhưng dự kiến quý II sẽ tốt hơn với khoảng 9.000 tấn, trong đó đơn hàng của một số thương hiệu có thể gấp đôi.
Cao điểm đặt hàng sẽ trong giai đoạn cuối năm 2024, đây là giai đoạn nhận đơn hàng cho vụ xuân hạ 2025. Đại diện doanh nghiệp dự kiến doanh số quý III và quý IV có thể ở mức tương ứng 10.500 tấn và 12.000 tấn.
Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico - Mã: ANV) đã tăng được sản lượng xuất bán cá tra để giúp doanh thu tăng 11% lên gần 1.200 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty có lãi sau thuế 18 tỷ, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 51 tỷ đồng cùng kỳ.
Lợi nhuận nửa đầu năm theo đó đạt 34 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Đây là con số gây thất vọng cho cổ đông khi doanh nghiệp ước tính đà hồi phục tốt hơn với lợi nhuận trong hai quý đầu năm khoảng 50-60 tỷ đồng.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy giai đoạn xấu nhất của Navico đã đi qua với giá trị xuất khẩu tăng dần theo tháng và đã có sự tăng trưởng dương 1% trong tháng 5 nhờ sản lượng tăng 16%.
Chuyên gia kỳ vọng giá bán trung bình sẽ cải thiện dần nhờ sự hồi phục tại thị trường Trung Quốc khi hàng tồn kho giảm dần và hưởng lợi từ đà tăng giá dần ở thị trường Mỹ. Tuy nhiên, giá bán sẽ khó tăng mạnh và duy trì ở mức 1,9 USD/kg do sức mua vẫn còn yếu.
Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) ghi nhận doanh thu quý II tăng 4% so với cùng kỳ lên 2.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 1% còn gần 871 tỷ đồng.
Lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đạt 1.574 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và hoàn thành 51% kế hoạch lãi 3.100 tỷ đồng của năm nay.
Chủ tịch DGC Đào Hữu Huyền từng nhận định mục tiêu lãi 3.100 tỷ đồng là khó khăn chứ không phải thận trọng, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, không ế nhưng giá cả không phải cao.
Chứng khoán DSC dự báo lợi nhuận và doanh thu trong quý II sẽ phục hồi lần lượt 10% và 5% so với cùng kỳ khi thị trường phốt pho hồi phục đáng kể nhờ nhu cầu sản xuất bán dẫn và linh kiện điện tử sôi động hơn; và Trung Quốc chưa thể xuất khẩu do điều kiện thời tiết cực đoan.
Kết quả của Đức Giang cũng tỏ ra kém hơn so với một đơn vị khác trong ngành là Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) khi đơn vị này chứng kiến doanh thu tăng vọt 34% lên hơn 480 tỷ đồng, nhờ tăng sản lượng dù giá bán các sản phẩm chính giảm.
CSV theo đó lãi trước thuế đạt gần 97 tỷ đồng, tăng trưởng 40% so với cùng kỳ. Lợi nhuận nửa đầu năm theo đó tăng nhẹ lên 159 tỷ đồng, hoàn thành 61% kế hoạch năm.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power - Mã: POW) báo cáo doanh thu toàn tổng công ty trong nửa đầu năm ước đạt 15.822 tỷ đồng, thực hiện 95% kế hoạch và giảm 3% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 657 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch nửa đầu năm. Con số này nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 29% (so với 929 tỷ đồng) và là mức lợi nhuận nửa năm thấp nhất kể từ khi công khai tài chính.
Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) bị thu hẹp biên lợi nhuận trong quý II xuống dưới mốc 39% khi tốc độ tăng giá vốn tăng mạnh hơn tốc độ tăng doanh thu, so với mức gần 44% của cùng kỳ năm ngoái.
Cộng thêm việc gia tăng các chi phí hoạt động khiến lợi nhuận sau thuế của công ty ngành dược suy giảm 17% về mức 66 tỷ đồng. Lợi nhuận lũy kế hai quý đầu năm theo đó giảm 19% xuống còn 128 tỷ đồng, thực hiện 38% kế hoạch năm.
Doanh nghiệp lý giải do chủ động điều chỉnh hàng tồn kho phù hợp với bối cảnh thị trường OTC (kênh bán lẻ, không kê đơn) trầm lắng. Ngoài ra còn bởi khấu hao nhà máy IMP4 theo kế hoạch và tăng giá hoạt chất.
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (Mã: CTR) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ nửa đầu năm với doanh thu đạt 5.652 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước 306 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với bán niên 2023.
SSI Research cho biết lợi nhuận ước tính thấp hơn so với dự báo. Chủ yếu do doanh thu mảng dịch vụ kỹ thuật và giải pháp tích hợp thấp hơn dự báo, đây là mảng có biên lợi nhuận cao hơn mảng xây dựng (mảng này có doanh thu cao hơn dự báo).
Tương tự là Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) có lợi nhuận quý II chỉ đạt 94 tỷ đồng, giảm đến 42% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo của SSI. Chuyên gia nói do hiệu quả hoạt động cốt lõi và thu nhập từ cổ tức thấp hơn so với dự kiến.
Cổ phiếu lao dốc
Ngay khi công bố kết quả lỗ kỷ lục trong quý II, cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ đã bị bán tháo liên tục trong 3 phiên ở mức giá sàn, mất gần 20% giá trị về 27.900 đồng/cp. Giá trị vốn hóa về dưới mốc 2.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu IMP của Imexpharm sau khi lập đỉnh lịch sử ở mốc 93.400 đồng/cp ngày 16/7 đã quay đầu giảm mạnh 4 phiên liên tiếp trước thông tin về kết quả quý II, hiện dao động quanh mốc 82.000 đồng/cp.
Cổ phiếu ANV đã bị bán mạnh trong 2 phiên 22-23/7, mất hơn 8% giá trị sau khi lợi nhuận thấp hơn ước tính. Mã chứng khoán này vừa hồi phục nhẹ về 33.600 đồng/cp.
Cổ phiếu DGC trong thời gian qua lao dốc mạnh với 9/11 phiên gần nhất giảm điểm, thị giá hiện chỉ còn quanh 110.000 đồng/cp, giảm 14% trong giai đoạn này. Vốn hóa công ty xuống dưới 41.800 tỷ đồng.