|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Làm rõ các vấn đề xung quanh áp thuế VAT với phân bón

20:45 | 17/11/2024
Chia sẻ
Việc làm rõ các tác động của việc áp thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) với phân bón tiếp tục thu hút nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu quốc hội và các chuyên gia.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

“Không thể nhìn nhận một cách cơ học rằng tăng thuế là tăng giá bởi thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) là thuế gián thu và thu trên giá trị tăng theo”, Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã khẳng định như vậy ngay khi mở đầu Toạ đàm “Áp thuế giá trị gia tăng phân bón: Vì một nền nông nghiệp phát triển bền vững" do Tạp chí Năng lượng mới tổ chức ngày 17/11.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An, những bất cập của Luật Thuế giá trị gia tăng kể từ khi có hiệu lực vào năm 2014 đến nay đã được Chính phủ nhìn nhận. Do vậy đã đề xuất sửa đổi, đưa phân bón vào diện chịu thuế nhằm đảm bảo công bằng cho sản xuất phân bón trong nước cũng như không gây tác động bất lợi với nông dân và nông nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này hiện vẫn đang tồn tại những ý kiến khác nhau, trong đó có lo ngại đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% sẽ tác động tới giá phân bón. Vì vậy, tác động của việc đưa phân bón vào diện chịu thuế 5% cần được đánh giá khoa học, thấu đáo, bao trùm dựa trên lợi ích tổng thể của cả nền kinh tế để có quyết sách về chính sách thuế đúng đắn.

Toàn cảnh Tọa đàm ngày 17/11. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) (dự án do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ dự án), phương án chuyển phân bón sang áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giá phân đạm ure, phân DAP và phân lân sản xuất trong nước có dư địa giảm.

Cụ thể, phân đạm ure có thể giảm 2%, phân DAP có thể giảm 1,13%, phân lân có thể giảm 0,87%. Trong khi đó, giá NPK có thể tăng không đáng kể (0,09%) hoặc giữ nguyên, còn giá phân NPK nhập khẩu có thể tăng 5% do chính sách thuế.

Tuy nhiên, với cơ cấu thị trường thực tế, tiêu thụ phân bón sản xuất trong nước chiếm trên 70%, tiêu thụ phân bón nhập khẩu chiếm dưới 30%, việc áp thuế VAT 5% sẽ cho phép doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước dẫn dắt, điều chỉnh mặt bằng giá thị trường phân bón.

Đặc biệt, việc áp thuế VAT 5% với phân bón, giá bán phân bón sản xuất trong nước có dư địa giảm, tạo tác động tích cực, buộc các nhà nhập khẩu phân bón sẽ phải giảm giá bán phân bón nhập khẩu theo mặt bằng giá thị trường, từ đó đem lại lợi ích lớn cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Văn Được, Uỷ viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Được, Uỷ viên Thường trực Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, nếu áp thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón thì hài hoà lợi ích của ba nhà là nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, đồng thời giảm bất cập "không có thuế mà giá bán lại cao hơn".

Làm rõ hơn vấn đề áp thuế VAT 5% với phân bón, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ, tất cả các hàng hoá dịch vụ được đưa ra tiêu thụ phải chịu thuế VAT với các mức độ khác nhau.

Hiện UNDP và ADB đều đề xuất Việt Nam nên đánh thuế VAT 10% với phân bón bởi hầu hết các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hiện nay trong nền kinh tế hầu hết đánh thuế 10%, rất ít mặt hàng đánh 5%.

Thực tế con số thuế VAT bình quân với hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam hiện ở mức 9,7% trong khi các nước trên thế giới đều trên 15%.

Hiện nay, với bất cập về chính sách thuế VAT với phân bón, toàn bộ chi phí đầu vào cho sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ, được doanh nghiệp sản xuất cộng vào giá bán phân bón, do vậy, cuối cùng vẫn là người nông dân phải gánh chịu.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: A.N/BNEWS/TTXVN

Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, năm 2014, một nhóm các chuyên gia tài chính kinh tế đã phân tích số liệu sản xuất kinh doanh của 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn ở trong nước (Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Cà Mau, Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc).

Phân tích cho thấy thuế giá trị gia tăng đầu vào của sản xuất phân bón trong nước chiếm khoảng 3,83% giá trị sản phẩm. Vì vậy "đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón là mức thuế hợp lý để các doanh nghiệp lớn cho đến các doanh nghiệp nhỏ đều có thể khấu trừ thuế với nguyên vật liệu máy móc đầu vào", đảm bảo giá thành sản xuất phân bón cạnh tranh công bằng với phân bón nhập khẩu cùng chủng loại.

Đồng thời, đảm bảo sản xuất hiệu quả và có nguồn đầu tư cho công nghệ tiên tiến cũng như nghiên cứu các sản phẩm  phân bón hữu cơ, phân bón chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp xanh.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết: Hiện có một số ý kiến lo ngại rằng nếu đưa phân bón trở lại diện chịu thuế VAT 5% thì các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ "tự động" cộng 5% thuế vào giá bán.

Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu sẽ không thể cộng thuế để đảm bảo cạnh tranh với sản phẩm phân bón trong nước khi doanh nghiệp sản xuất trong nước không tăng giá phân bón, thậm chí còn giảm giá bán nếu được khấu trừ thuế VAT đầu vào. 

Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu phải giảm khoản lợi nhuận lớn đã từng được hưởng trong thời gian dài trước đây để cạnh tranh với doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Được cũng cho hay, việc áp thuế VAT 5% với phân bón không làm các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón bị ảnh hưởng nhiều do khi nhập khẩu chịu thuế VAT 5% và khi bán ra cũng chịu thuế VAT 5%.

Như vậy, phương án áp thuế VAT 5% với phân bón vừa giúp giá bán phân bón hạ thấp hơn, vừa hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước, tạo sự công bằng bình đẳng giữa các doanh nghiệp, đồng thời có cơ sở mở rộng nguồn thu theo lộ trình và định hướng chung.

Đánh giá tác động của việc áp thuế VAT 5% của phân bón với nguồn thu ngân sách, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho biết, thực tế nguồn thuế nhà nước thu được từ các doanh nghiệp phân bón trong nước chỉ hơn 300 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, với con số phân bón nhập khẩu khoảng 3,4 triệu tấn/năm như hiện nay, nguồn thuế thu về sẽ khoảng 200 nghìn tỷ đồng/năm.

Đây là nguồn thu khá lớn để nhà nước có thể dùng để hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển các chủng loại phân hữu cơ, phân bón chất lượng cao để đảm bảo năng suất cây trồng, đồng thời cải tạo đất, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia.

Vì vậy, để nền công nghiệp có thể phục vụ nông nghiệp cất cánh trong xu hướng phát triển xanh, bền vững, việc áp thuế VAT 5% với phân bón là cần thiết và hợp lý, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.

Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, vấn đề quan trọng nhất chính là Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương phải là cơ quan kiểm soát giá đầu ra, đầu vào của các doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi của người nông dân được mua phân bón chất lượng tốt với giá thành hợp lý.

Đặc biệt, nếu dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi được thông qua, trong đó có đề xuất áp thuế VAT 5% với phân bón, hai cơ quan chức này càng phải tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát thị trường để đảm bảo không có sự tăng giá phân bón bởi khi đó doanh nghiệp được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên chi phí sản xuất giảm, khiến giá thành sản xuất cũng giảm tương ứng.

Anh Nguyễn