Đi ngược Đức Giang, hai công ty hóa chất thuộc Vinachem lãi đột biến
Các doanh nghiệp hóa chất niêm yết đang có kết quả kinh doanh trái ngược trong quý III, trong khi Tập đoàn Hóa chất Đức Giang bị suy giảm lợi nhuận thì hai công ty Hóa chất cơ bản miền Nam (Sochem - Mã: CSV) và Hóa chất Việt Trì (Mã: HVT) lại có kỳ hoạt động bùng nổ.
Theo báo cáo kinh doanh, Hóa chất Việt Trì ghi nhận doanh thu thuần đạt 378 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế nhảy vọt lên gần 27 tỷ đồng, gấp 22 lần so với mức nền thấp năm ngoái.
Đơn vị này cho biết doanh thu được mở rộng nhờ giá bán các sản phẩm tăng trong kỳ. Bên cạnh đó, sản phẩm chất khử trùng Vi-Chlorine được đưa ra thị trường, tiêu thụ với sản lượng ổn định cũng góp phần làm tăng nguồn thu.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng đột biến này có tính chất tương đối khi so sánh với con số rất thấp của cùng kỳ năm ngoái. Mức lợi nhuận này vẫn là con số cao nhất tính từ đầu năm 2023 đến nay, tức cao nhất 6 quý.
Tính chung từ đầu năm, Hóa chất Việt Trì báo cáo doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 1.178 tỷ đồng và hơn 67 tỷ đồng, tăng khoảng 15% và 2% so với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm ngoái.
Theo kế hoạch đề ra cho 2024, ban lãnh đạo đặt mục tiêu 1.561 tỷ doanh thu và 106 tỷ lợi nhuận trước thuế. Với kết quả trên, đơn vị này đã hoàn thành 75% chỉ tiêu về doanh thu và bằng 64% tiến độ về lợi nhuận.
Hóa chất Việt Trì tiền thân là Nhà máy Hóa chất Số 1 Việt Trì, thành lập năm 1959 và chuyên sản xuất hóa chất cơ bản, đặc biệt là xút (NaOH). Hiện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là công ty mẹ nắm giữ gần 68,5% vốn.
Công ty có quy mô tổng tài sản chưa đến 800 tỷ đồng với hơn phân nửa đến từ tài sản cố định, lượng tiền mặt và tiền gửi giảm còn hơn 40 tỷ đồng. Cấu trúc nợ phải trả có rủi ro với số dư 307 tỷ đồng, lớn hơn giá trị tài sản ngắn hạn.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVT thuộc danh sách có thị giá cao với 92.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa doanh nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp hóa chất khối nhà nước khác cũng có kết quả đột biến là Hóa chất cơ bản miền Nam (CSV). Đây là đơn vị thuộc sở hữu của Vinachem với tỷ lệ nắm giữ lên đến 65% vốn điều lệ.
Theo báo cáo quý III, công ty chứng kiến doanh thu tăng trưởng 25% lên trên mức 500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt gần 79 tỷ đồng, cao hơn 54% so với kết quả của cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 8 quý.
Doanh nghiệp giải thích quy mô mở rộng nhờ tăng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm chính như NaOH, HCl, Clor lỏng, H2SO4, Javel, PAC... cũng như giá bán bình quân các sản phẩm chính tăng nhẹ. Sản phẩm phốt pho vàng tại công ty con cũng tăng 80% về sản lượng và 3% về giá bán.
Tính lũy kế từ đầu năm, công ty hóa chất này có doanh thu tăng gần 16% lên xấp xỉ 1.340 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế lũy kế theo đó đạt 255 tỷ đồng, cao hơn 15% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, ban lãnh đạo đề ra mục tiêu doanh thu 1.640 tỷ và có lãi trước thuế hơn 261 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị đã hoàn thành 82% chỉ tiêu doanh thu và thực hiện đến 98% mục tiêu về lợi nhuận cả năm.
Hiện CSV có quy mô tổng tài sản hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị đến 760 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 41%). Nguồn vốn công ty ngày càng được củng cố khià vốn chủ sở hữu hơn 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận chưa phân phối đạt gần 282 tỷ đồng. Vay nợ tài chính chỉ có số dư thấp chưa đến 77 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu CSV được giao dịch tại mức giá 35.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa gần 3.900 tỷ đồng.
Trong khi hai doanh nghiệp hóa chất thuộc Vinachem bùng nổ trong quý III thì một doanh nghiệp hàng đầu khác là Hóa chất Đức Giang tiếp tục đi lùi trong kinh doanh,
Báo cáo quý III cho thấy doanh thu dù mở rộng 4% lên 2.558 tỷ đồng nhưng do hụt nguồn thu tài chính và tăng mạnh chí phí bán hàng khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn 738 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.
Doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm cũng chỉ nhích nhẹ lên 7.447 tỷ đồng. Doanh thu tài chính hao hụt và tăng chi phí bán hàng vẫn là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế giảm 7% so với cùng kỳ, còn đạt 2.322 tỷ đồng.
Theo kế hoạch năm 2024, ban lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu 10.202 tỷ và có lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng. Với kết quả trên, đơn vị đã hoàn thành 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 74% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý kinh doanh.
Trong quý cuối năm, doanh nghiệp lên mục tiêu tổng doanh thu 2.591 tỷ đồng, lãi sau thuế 770 tỷ đồng; tăng lần lượt 8% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái; đồng thời đẩy mạnh kế hoạch đầu tư Tổ hợp Xút Nghi Sơn vào tháng 12.
Đức Giang hiện là công ty hóa chất lớn nhất trên sàn với quy mô vốn gần 3.800 tỷ và giá trị vốn hóa thị trường đạt hơn 41.400 tỷ đồng (giá cổ phiếu 109.100 đồng/cp tính đến 25/10).