Bão Yagi 'cuốn bay' lợi nhuận các công ty than niêm yết
Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ miền Bắc không chỉ làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống nhân dân mà còn gây thiệt hại lớn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như bảo hiểm đã chịu tác động tiêu cực.
Đơn cử là nhóm doanh nghiệp khai thác than trọng điểm tại tỉnh Quảng Ninh đã chịu sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và gánh chịu chi phí hoạt động tăng vọt, thổi bay lợi nhuận trong quý vừa qua.
"Bão Yagi kèm lượng mưa lớn gây ảnh hưởng nặng nề đến khu vực sản xuất của công ty", Công ty cổ phần Than Vàng Danh (Mã: TVD) lý giải về kết quả kinh doanh không thuận lợi trong quý III.
Ban lãnh đạo nói thêm mưa lớn kèm giông bão làm mất điện lưới đa gây ngập các đường lò mức -50 khu cánh gà, mức -10 và mức -175 khu giếng Vàng Danh dẫn đến diện tích sản xuất tại các khu vực này bị ảnh hưởng không sản xuất được.
Công ty phải dừng sản xuất để khắc phục sự cố, các chi phí này cùng với thời gian dừng sản xuất đã tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của đơn vị.
Theo báo cáo quý III, Than Vàng Danh chứng kiến doanh thu sụt hơn 26% so với cùng kỳ chỉ còn hơn 1.230 tỷ đồng, mức thấp nhất 4 năm. Đơn vị có trụ sở tại TP Uông Bí này còn bị lỗ sau thuế hơn 57 tỷ đồng (cùng kỳ có lãi 10 tỷ đồng), mức lỗ lớn nhất trong lịch sử.
Công ty cổ phần Than Cao Sơn (Mã: CST) chịu ảnh hưởng tương tự khi báo lỗ nặng nhất từ khi niêm yết với 43 tỷ đồng trong kỳ vừa qua, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn đang có lợi nhuận khả quan đạt hơn 31 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có trụ sở tại TP Cẩm Phả này cho biết sản lượng than tiêu thụ đã giảm 211.385 tấn trong kỳ, qua đó làm giảm 17% doanh thu về mức 1.782 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo nói ảnh hưởng của bão Yagi rất nặng nề do cơn bão Yagi từ ngày 7/9 gây ra. Công ty đã triển khai ngay các giải pháp xử lý sự cố và khắc phục hậu quả của siêu bão nên lầm tăng chi phí hoạt động; thực tế đơn vị đã phát sinh thêm khoản giá vốn hàng bán mưa bão gần 23 tỷ đồng trong quý III.
Công ty cổ phần Than Núi Béo (Mã: NBC) là đơn vị lỗ nặng nhất trong quý vừa qua khi bị âm hơn 104 tỷ đồng, mức thấp nhất trong lịch sử. Doanh nghiệp lưu ý rằng đây là con số tạm tính do chưa thanh quyết toán chi phí với tập đoàn mẹ.
Ban lãnh đạo giải thích do thời tiết bất lợi trong quý II và III, mưa lớn dài ngày, đặc biệt trong tháng 9 chiụ thiệt hại rất lớn từ bão Yagi dẫn đến phải dừng sản xuất dài ngày. Chất lượng than sản xuất giảm, công tác tiêu thụ than giảm làm kết quả sản xuất kinh doanh đi xuống.
Công ty cổ phần Than Hà Tu (Mã: THT) trong quý vừa qua chỉ còn lãi vỏn vẹn 277 triệu đồng, giảm đến 97% so với quý III/2023 và là mức thấp nhất tính từ quý III/2026 đến nay.
Doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hạ Long này giải trình do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, đặc biệt là cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) đã gây bất lợi cho sản xuất. Sản lượng tiêu thụ còn 259.865 tấn, giảm 67% so với cùng kỳ; từ đó kéo theo doanh thu giảm 60% còn hơn 500 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Than Mông Dương (Mã: MDC) chứng kiến doanh thu sụt 29% về mức 528 tỷ và lợi nhuận giảm 41% còn 9 tỷ đồng; đây đều là các con số tài chính thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây.
Công ty cổ phần Than Hà Lầm (Mã: HLC) không ngoại lệ với mức giảm 28% về doanh thu và 50% về lợi nhuận, còn đạt lần lượt 565 tỷ và 11 tỷ đồng, đều là kết quả thấp nhất trong vài năm kinh doanh vừa qua.
Doanh nghiệp cho biết bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 3 làm hư hỏng một số công trình ngoại mặt bằng và hệ thống đường điện, mất điện lưới 9 ngày dẫn đến phải dừng sản xuất 7 ngày để khắc phục hậu quả cơn bão để lại.
Đồng thời, nhà khai thác than có trụ sở tại TP Hạ Long bổ sung điều kiện địa chất một số lò diễn biến phức tạp trong quý III, buộc phải cắt đá dẫn đến giảm năng suất và tăng chi phí hoạt động.
Phần lớn các công ty than tại Quảng Ninh đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ bão lũ trong quý III, tuy nhiên nhờ kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm nên hoạt động chung vẫn không diễn biến quá tiêu cực.
Chẳng hạn, Than Vàng Danh lỗ đậm quý vừa qua nhưng tổng kết 9 tháng đầu năm vẫn có lãi trước thuế 15,5 tỷ đồng, dù giảm 83% so với cùng kỳ. Than Mông Dương sau 3 quý vẫn có lãi gần 44 tỷ đồng và thực hiện 70% kế hoạch năm.
Than Hà Tu và Than Hà Lầm cũng đang đảm bảo kế hoạch khi thực hiện khoảng 75% chỉ tiêu cả năm. Trong đó, lãi trước thuế của Hà Tu đạt lũy kế 68 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ và Hà Lầm đạt 76 tỷ đồng, chỉ còn giảm 10% so với cùng kỳ.
Thậm chí, Than Cao Sơn dù lỗ kỳ vừa qua nhưng tính chung 9 tháng đầu năm vẫn có lợi nhuận trước thuế gần 167 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Kết quả này vẫn sớm vượt xa 28% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (130 tỷ).