|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Than Đèo Nai và Than Cọc Sáu sắp hợp nhất

13:54 | 27/02/2024
Chia sẻ
Công ty hợp nhất sẽ hoán đổi toàn bộ lượng cổ phiếu của Than Đèo Nai và Than Cọc Sáu để ghi nhận vốn điều lệ mới là 619 tỷ đồng, giữ nguyên toàn bộ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin (Mã: TC6) mới thông qua hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo hợp đồng hợp nhất với Công ty cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin (Mã: TDN). 

Thương vụ này sẽ thành lập một pháp nhân mới là Công ty cổ phần Than Đèo Nai – Cọc Sáu – TKV, là công ty hợp nhất có trụ sở tại tỉnh Quảng Ninh. Điều này đồng nghĩa sẽ chấm dứt sự tồn tại riêng biệt của Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai. 

Toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác sẽ được chuyển sang cho công ty hợp nhất.

Theo kế hoạch, công ty mới dự kiến sẽ phát hành gần 62 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu của 2 doanh nghiệp trên, nhằm đổi lấy toàn bộ cổ phiếu của các cổ đông trong các công ty bị hợp nhất theo tỷ lệ hoán đổi 1:1 (1 cổ phiếu của TC6 hoặc TDN sẽ được hoán đổi với 1 cổ phiếu công ty hợp nhất). 

Hiện Than Cọc Sáu có gần 32,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành và Than Đèo Nai có hơn 29,4 triệu cổ phiếu. Như vậy, công ty hợp nhất sẽ có tổng cộng hơn 61,9 triệu cổ phiếu, tương đương với vốn điều lệ mới là hơn 619 tỷ đồng. 

Đây đều đang là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với tỷ lệ nắm giữ 65%. Sau khi hợp nhất, toàn bộ lao động của cả hai công ty sẽ trở thành người của công ty hợp nhất và kế thừa các hợp đồng lao động của hai doanh nghiệp cũ cũng như các chế độ làm việc khác.

Việc hợp nhất Than Cọc Sáu và Than Đèo được thực hiện theo quyết định hồi tháng 10 của Vinacomin về phê duyệt đề án cơ cấu lại Tập đoàn đến năm 2025 nhằm mục đích nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, giải quyết những khó khăn về khai thác, biên giới, trữ lượng...

Khai trường than lộ thiên của Công ty Than Cọc Sáu và Than Đèo Nai tại TP Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) được sáp nhập vào nhau để trở thành một khai trường thống nhất, có diện tích lớn nhất ngành than.  

Cơ quan chức năng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với Dự án khai thác Cụm mỏ Cọc Sáu - Đèo Nai tại 11 xã, phường của TP Cẩm Phả. Dự án mỏ lộ thiên này rộng khoảng 1.790 ha, vòng đời 15 năm với trữ lượng than nguyên khai trên 31 triệu tấn, công suất khai thác tối đa là 2,7 triệu tấn/năm.

Nhóm công ty cũng thông qua đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do tỷ lệ chuyển đổi 1:1 nên tỷ lệ sở hữu nước ngoài dự kiến tại công ty hợp nhất sẽ bằng tổng số cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài tại hai công ty tại ngày thực hiện hoán đổi. 

2 công ty cũng đã thực hiện đăng ký tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa với UBCKNN để thực hiện khóa room ngoại, nhằm không làm tăng thêm tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài vào công ty trước hợp nhất. 

Hoạt động sản xuất kinh doanh chính của công ty sau khi hợp nhất vẫn tập trung vào mảng hoạt động cốt lõi là khai thác than. Trong năm 2024, dự kiến doanh thu hợp nhất khoảng 5.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 68 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức 6%.

 

 

 

Huy Lê