Hợp nhất, sáp nhập: Có lộ trình, tránh xáo trộn
Kho bạc nhà nước: Giải thể, sáp nhập 43 phòng giao dịch |
Nhiều trường hợp bổ nhiệm siêu tốc (Ảnh minh hoạ) |
Theo báo cáo của Chính phủ, sau khi có Nghị quyết số 56 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các nghị định, quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của một số bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổng cục thuộc bộ. Qua rà soát, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, cơ bản các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ không chuyển các vụ thành cục, tổng cục. Các cơ quan thuộc Chính phủ giảm số đơn vị được thành lập phòng và giảm số phòng.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận thấy, trong các văn bản nêu trên vẫn còn một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu. Ðó là tăng tổng số phòng trong các đơn vị trực thuộc bộ, số đầu mối không tăng nhưng cũng chưa được sắp xếp để bảo đảm tinh gọn theo yêu cầu của nghị quyết. Trong các nghị định về cơ quan thuộc Chính phủ cũng không quy định số lượng tối đa cấp phó của đơn vị trực thuộc nên có thể dẫn đến tùy tiện khi áp dụng.
Ðáng lưu ý tình trạng tuyển dụng, đề bạt không đúng, hay bổ nhiệm “siêu tốc” xảy ra gần đây khiến dư luận bức xúc, như việc Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa bổ nhiệm hàng loạt cán bộ lãnh đạo cấp phòng sai quy định trước khi nghỉ hưu; Tổng Giám đốc Tổng Cty Cảng hàng không bổ nhiệm 70 cán bộ trước khi nghỉ hưu…
Các đại biểu đề nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời phát hiện sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, việc rà soát, thu gọn đầu mối các cơ quan, tổ chức là cần thiết nhưng cần nghiên cứu một cách thận trọng, tránh việc thu gọn một cách cơ học mà số lượng biên chế, tổ chức bên trong vẫn cồng kềnh, chồng chéo. Ðối với việc thực hiện nguyên tắc “một việc chỉ do một cơ quan chủ trì”, đây là vấn đề phức tạp, nên việc triển khai phải đồng bộ, triệt để, nhưng cũng cần có lộ trình, bước đi thích hợp, tránh gây xáo trộn bộ máy quá lớn.