Sự hiện diện của chaebol Hàn Quốc tại Vingroup, Masan và Imexpharm
Bên cạnh ThaiBev, GIC, VinaCapital và Dragon Capital, những thương vụ đầu tư liên tiếp trị giá hàng tỷ USD vào Vingroup, Masan Group,… đã biến SK Group, một tập đoàn đa ngành của Hàn Quốc, trở thành một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam.
Khác với các quỹ đầu tư lựa chọn một danh mục đa dạng, khẩu vị ưa thích của SK Group là các khoản đầu tư lớn và tập trung.
Rót tỷ USD vào Vingroup, Masan Group
Tháng 9/2018 đánh dấu khoản đầu tư đầu tiên của SK Group vào các tập đoàn lớn của Việt Nam khi đơn vị này rót 470 triệu USD để mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu quỹ của CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN). Thương vụ đã giúp SK Group trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ 9,5% cổ phần của tập đoàn này.
Tiếp đến, giữa năm 2019, Vingroup - CTCP (mã: VIC) đã phát hành 154 triệu cổ phiếu cho SK Group. Đồng thời, Vincommerce, lúc bấy giờ đang là công ty con của Vingroup, cũng chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu VIC cho SK Group.
Ước tính, tập đoàn của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1 tỷ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A inbound lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong năm.
Tháng 5/2020, SK Investment Vina III Pte. Ltd., quỹ thành viên của SK Group đã trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Dược phẩm Imexpharm (mã: IMP) khi nắm giữ gần 12,33 triệu cổ phiếu IMP.
Đến tháng 7/2020, IMP tiến hành chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 10%, đồng thời thực hiện thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, theo đó, tổng lượng cổ phiếu mà SK Group nắm giữ được nâng lên, đạt hơn 16,02 triệu cổ phiếu.
Mới đây, hai quỹ thuộc VinaCapital là VOF Investment Limited và Vietnam Ventures Limited cũng đã công bố thông tin sẽ chuyển nhượng số cổ phần tương đương 5,18% tại IMP cho SK Group. Dự kiến, sau chuyển nhượng, SK Group sẽ nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Imexpharm từ 24,02% lên 29,2%.
Vừa qua, 6/4, Masan Group và SK Group cũng đã ra thông cáo chung về việc tập đoàn Hàn Quốc bỏ ra 410 triệu USD để mua lại 16,26% cổ phần hệ thống bán lẻ VinCommerce từ công ty nắm giữ cổ phần.
Thông cáo không nêu rõ đơn vị sở hữu 16,26% cổ phần VinCommerce được SK Group mua lại. Song theo tìm hiểu của chúng tôi, số cổ phần này vừa khớp với tỷ lệ nắm giữ của GIC (Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore).
Như vậy liên tục từ 2018 đến nay, SK Group bằng cách trực tiếp và gián tiếp đã đầu tư tổng cộng hàng tỷ USD vào các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup và Masan Group.
Chưa kể trước đó, các công ty con của SK Group cũng đã tìm cách rót vốn vào thị trường Việt Nam thông qua các hình thức khác nhau.
Đơn cử năm 2003, SK Group đầu tư vào hạ tầng viễn thông Việt Nam với mạng viễn thông S-Fone. Năm 2007, SK Energy - công ty năng lượng của SK Group, bắt đầu cung cấp dầu diesel cho Petrolimex Việt Nam bằng tàu trọng tải lớn tại vịnh Vân Phong, Khánh Hoà. Từ năm 2008, SK Energy cung cấp thêm xăng RON 95 và sau đó là RON 92.
Hay như năm 2018, SK E&C đã trúng gói thầu trị giá hơn 2 tỷ USD để xây dựng nhà máy polypropylene và polythylene tại Dự án Hóa dầu Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu,…
SK Group: Từ cơ sở dệt may đến một trong những chaebol lớn nhất Hàn Quốc
SK Group là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất tại Hàn Quốc. Hiện tập đoàn này có 95 công ty con được gọi chung là các SKMS (SK Management System) và hơn 81.000 nhân viên làm việc tại 260 chi nhánh trên toàn cầu.
SK Group được thành lập từ năm 1953, khi người sáng lập ra nó, ông Chey John Hyun mua lại một cơ sở dệt may có tên Sunkyong. Năm 1958, Sunkyong là công ty đầu tiên của Hàn Quốc sản xuất được loại sợi tổng hợp polyester.
Tháng 7/1969, cơ sở dệt may Sunkyong được nâng lên thành công ty thương mại với tên Sunkyong Fibers Ltd, và bắt đầu sản xuất vải sợi tơ tằm.
Năm 1973, Sunkyong đánh dấu bước chuyển mình lớn khi thành lập một công ty khác là Sunkyong Oil, chuyên kinh doanh xăng dầu và dầu mỏ. Cũng trong năm đó, Sunkyong mua lại khách sạn Walkerhill.
Năm 1976, Tập đoàn Sunkyong nhận được giấy phép công nhận là công ty thương mại quốc tế từ chính phủ Ấn Độ. Vào tháng 1/1988, Sunkyong bắt đầu nhập khẩu dầu thô từ Yemen để chế biến và kinh doanh tại Hàn Quốc.
Năm 1998, Ban quản trị tập đoàn đã đổi thương hiệu Sunkyong thành SK Group. Kể từ đó đến nay, SK hoạt động với tư cách là một tập đoàn đa quốc gia, đa lĩnh vực, với các hoạt động kinh doanh như: công nghệ viễn thông, sản xuất đĩa nhạc và phim (hiện đang hợp tác cùng 3 công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc SM YG và JYP), điều chế dược phẩm (SK là nhà phân phối thuốc lớn nhất ở Hàn Quốc), khai thác vận chuyển dầu khí, kinh doanh bất động sản, khách sạn và trung tâm thương mại.
SK Group có các công ty con nổi tiếng toàn cầu như: SK Holdings, SK Innovation, SK Telecom, SK Networks, SK Chemical, SKC, SK Securities, SK Gas and SK Hynix. … trong đó, tập trung vào năng lượng và viễn thông là chủ yếu.
Trên thế giới, SK Group không được biết đến nhiều như Samsung, Hyundai hay LG. Tại Hàn Quốc, công ty này nổi tiếng với các trạm xăng trên toàn quốc và là công ty viễn thông lớn nhất quốc gia này - SK Telecom.
Công ty con SK Hynix là hãng sản xuất chíp lớn thứ 2 thế giới sau Samsung Electronics. Năm 2014, doanh thu của SK đạt 156,6 tỷ USD , nhiều hơn General Electric Co. và gần bằng một nửa Exxon Mobil Corp.
SK Group hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia với doanh thu hợp nhất đạt 184 tỷ USD tính đến cuối năm 2018. Hiện nay, chủ tịch SK là Chey Tae-won, cháu trai nhà sáng lập Chey John Hyun - Chey Tae Won là người giàu thứ 6 tại Hàn Quốc, với tài sản 3,7 tỷ USD, theo Forbes.