|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nikkei: Làn sóng thúc đẩy Samsung, SK Group và nhiều 'chaebol' Hàn Quốc rót vốn khủng vào Việt Nam

07:30 | 26/02/2020
Chia sẻ
Samsung Electronics và nhiều công ty xứ sở kim chi đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu tại Hàn Quốc chững lại do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung.

Những khoản đầu tư tỉ USD của Samsung, SK Group vào Việt Nam

Theo Nikkei Asian Review, Samsung sẽ chi 220 triệu USD để xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại thủ đô Hà Nội, dự kiến khánh thành vào năm 2022. SK Group cũng đã đầu tư vào Vingroup - tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ô tô và một số mảng kinh doanh khác.

Năm 2019, vốn đầu tư đăng kí của Hàn Quốc vào Việt Nam dẫn đầu trong các quốc gia, đạt 7,9 tỉ USD, tương ứng tỉ trọng 20%.

Theo các cơ quan thông tấn Việt Nam, Samsung sẽ tiến hành nghiên cứu về điện thoại thông minh và một số công nghệ thông tin khác tại trung tâm R&D Hà Nội. Ngoài ra, còn có một số nguồn tin cho biết trung tâm này sẽ tuyển dụng khoảng 3.000 kĩ sư Việt Nam và trở thành một trong các cơ sở R&D chính của Samsung.

Nikkei: Thương chiến Mỹ - Trung thúc đẩy Samsung, SK Group và nhiều công ty Hàn Quốc rót vốn khủng vào Việt Nam  - Ảnh 1.

Công nhân tại nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart của Vingroup. (Ảnh: Reuters)

Samsung SDS đã mua lại 30% cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC - công ty IT lớn thứ hai Việt Nam với giá hơn 4 tỉ yen (tương đương 36 triệu USD) vào tháng 7 năm ngoái.

Samsung Electronics bắt đầu lắp ráp điện thoại di động tại nhà máy Samsung Bắc Ninh từ năm 2009, mở đường cho nhiều công ty con của các tập đoàn tìm đến Việt Nam. Samsung được cho là đang sản xuất phân nửa sản lượng điện thoại mà hãng phân phối trên toàn cầu ở hai nhà máy tại Việt Nam.

Tháng 5/2019, SK Group tuyên bố họ đã mua 6,1% cổ phần của Vingroup với giá 110 tỉ yen (khoảng 1 tỉ USD).

Các chuyên gia nhận định dù chỉ mua lại số cổ phần tương đối nhỏ tại Vingroup, SK - vốn có sở trường về IT, nhận thấy cơ hội hợp tác với Vingroup và chuyển trọng tâm sang lĩnh vực ô tô, điện thoại thông minh và một số hoạt động chế tạo khác.

Nikkei: Thương chiến Mỹ - Trung thúc đẩy Samsung, SK Group và nhiều công ty Hàn Quốc rót vốn khủng vào Việt Nam  - Ảnh 2.

Top 5 nhà đầu tư ngoại rót nhiều vốn vào doanh nghiệp Việt Nam nhất trong năm 2019. (Ảnh: Nikkei Asian Review/Thời báo Kinh tế Việt Nam)

Trong lĩnh vực ngân hàng, KEB Hana Bank đã kí một thỏa thuận mua lại 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hồi tháng 7 năm ngoái với giá 95 tỉ yen (tương đương 870 triệu USD).

KEB Hana Bank - ngân hàng thương mại hàng đầu Hàn Quốc, chủ yếu hợp tác với các doanh nghiệp đồng hương hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên nhà bằng này dự kiến sẽ mở rộng cơ sở khách hàng sang các công ty Việt Nam thông qua mạng lưới chi nhánh của BIDV.

Những động lực nào kéo dòng vốn Hàn Quốc sang Việt Nam?

Thương chiến Mỹ - Trung là một động lực đứng sau thúc đẩy doanh nghiệp Hàn Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn chiếm 1/4 xuất khẩu của Hàn Quốc, đã giảm 16% trong năm ngoái.

Hoạt động thương mại của Hàn Quốc với Nhật Bản cũng đang suy yếu. Phong trào tẩy chay sản phẩm Nhật Bản của người tiêu dùng Hàn Quốc đã bùng nổ sau khi Tokyo áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc vào tháng 7/2019. Trong khi đó, các hãng hàng không Hàn Quốc cũng liên tục cắt giảm chuyến bay đến Nhật Bản.

Theo Nikkei, các công ty Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế ở quê nhà của họ trở nên đình trệ.

Nikkei: Thương chiến Mỹ - Trung thúc đẩy Samsung, SK Group và nhiều công ty Hàn Quốc rót vốn khủng vào Việt Nam  - Ảnh 3.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đang tăng lên. (Ảnh: Nikkei Asian Review/Cục Đầu tư Nước ngoài, Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba thế giới của Hàn Quốc, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mỹ. Dự báo, Việt Nam có thể vượt Mỹ, vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Hàn Quốc vào năm 2020.

Các nhà bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng Hàn Quốc hiện đang tăng trưởng tốt tại Việt Nam, nơi có khoảng 200.000 người Hàn sinh sống.

Trong năm 2019, vốn FDI rót vào Việt Nam tăng 7,2% so với năm trước lên 38 tỉ USD. Sau Hàn Quốc, Hong Kong là nhà đầu tư lớn thứ hai vào Việt Nam, tiếp đến là Singapore (thứ ba), Nhật Bản (thứ 4) và Trung Quốc (thứ 5).

Năm 2018, Hong Kong chỉ xếp thứ 4, trong khi Singapore đứng thứ ba, Nhật Bản xếp vị trí số một và Trung Quốc thứ 5.

Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng 65% lên 4 tỉ USD trong năm 2019, trong đó các khoản đầu tư mới tăng gấp đôi vì nhiều danh nghiệp Trung Quốc chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Các công ty Nhật Bản thường ngần ngại đầu tư vào Việt Nam vì tính minh bạch của các doanh nghiệp, trong khi nhóm doanh nghiệp Hàn Quốc lại ra quyết định nhanh chóng và linh hoạt.

Yên Khê