|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điều đặc biệt trong các thương vụ tỉ USD của SK Group với Masan và Vingroup

09:34 | 03/01/2020
Chia sẻ
Chỉ qua 2 thương vụ đầu tư, SK Group đã rót 1,5 tỉ USD vào hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam, tuy nhiên điều kiện đi kèm các khoản đầu tư này cũng chặt chẽ hơn so với các nhà đầu tư thông thường.

Giữa năm 2019, Vingroup đã phát hành 154 triệu cổ phiếu cho SK Group của Hàn Quốc. Đồng thời, Vincommerce, một công ty con của Vingroup cũng chuyển nhượng 51,4 triệu cổ phiếu VIC cho SK Group.

Ước tính, tập đoàn của Hàn Quốc đã đầu tư khoảng 1 tỉ USD để trở thành cổ đông ngoại lớn nhất nắm giữ 6% cổ phần của Vingroup. Đây được xem là giao dịch M&A inbound lớn nhất trong năm 2019, chiếm hơn 10% tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm qua.

Trước đó, vào tháng 9/2018, SK Group cũng chi 470 triệu USD để mua lại 9,5% cổ phần của Masan Group, doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực hàng tiêu dùng trong nước. Trong thời gian ngắn, SK Group đã đầu tư gần 1,5 tỉ USD vào hai doanh nghiệp tư nhân hàng đầu tại Việt Nam.

Bên cạnh hai khoản đầu tư lớn trên, một công ty con khác của SK Group là SK Energy còn nắm hơn 5% cổ phần của PV Oil, trị giá gần 30 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, mới đây, SK Group và Cơ quan Hưu trí Hàn Quốc (NPS) cho biết sẽ triển khai một quỹ hợp tác doanh nghiệp (COPA) quy mô khoảng 860 triệu USD. Quỹ đầu tư này sẽ do SKS Private Equity và Stonebridge Capital quản lý và tập trung giải ngân vào các công ty tại Việt Nam thông qua các giao dịch M&A.

Những thương vụ đầu tư liên tiếp biến SK Group trở thành một trong những nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại Việt Nam, bên cạnh ThaiBev, GIC (Singapore), Mizuho Bank và nhóm các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, KIM (Korea) và Dragon Capital.

Khác với các quỹ đầu tư lựa chọn một danh mục đa dạng, SK Group có các khoản đầu tư tư quy mô lớn và tập trung. Đặc biệt, thay vì chú trọng đến tỉ lệ nắm giữ, hay khả năng kiểm soát, SK Group quan tâm nhiều đến điều kiện thể chế, khả năng đầu tư và cân nhắc kế hoạch rút lui nếu cần.

Hai thương vụ đầu tư của SK Group vào vào Masan Group và Vingroup gần đây đều có các điều khoản, điều kiện đặc biệt cho phép nhà đầu tư nắm giữ thế chủ động và giảm thiểu rủi ro đáng kể so với các nhà đầu tư đơn thuần.

Với khoản đầu tư vào Masan Group, tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng nhanh hàng đầu Việt Nam đã ký một thỏa thuận cấp cho SK Group một quyền chọn bán. Trong trường hợp Masan Group và SK Group không thực hiện được việc tạo ra giá trị và sự cộng hưởng từ mối quan hệ đối tác hoặc không đồng ý với các định hướng chiến lược của công ty, SK Group có quyền yêu cầu Masan mua lại toàn bộ số cổ phiếu đã phát hành ở trên.

Quyền chọn sẽ được thực hiện sau năm thứ 5 kể từ ngày hoàn tất thương vụ và trong năm thứ 6 kể từ ngày hoàn tất. Quyền chọn này chỉ có thể được thực hiện một lần đối với toàn bộ số cổ phiếu trên và sẽ vô hiệu nếu SK Group bán bất kỳ cổ phiếu nào trong đó.

Có thể thấy, SK Group rất cẩn thận với khoản đầu tư 470 triệu USD vào Masan. Điều khoản đi theo bản hợp đồng yêu cầu SK Group phải song hành với Masan trong dài hạn, đồng thời cũng giúp SK Group có thể thoái vốn an toàn trong trường hợp bất đồng xảy ra.

Với khoản đầu tư vào Vingroup, một hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo đã được tỉ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện với SK Group. Cụ thể 228 triệu cổ phiếu VIC thuộc sở hữu của Chủ tịch HĐQT Vingroup và các quyền phát sinh từ số cổ phần này được thế chấp cho SK Group vào ngày 16/5.

Ngoài ra, theo các thảo thuận giữa hai bên, nhà đầu tư Hàn Quốc có quyền ưu tiên mua/đầu tư cùng với Vingroup vào một số nhóm công ty thỏa mãn các điều kiện theo thỏa thuận giữa SK Group và Vingroup.

Những bước đi an toàn của SK Group khá khác biệt so với các quỹ đầu tư khác, kể cả các quỹ đầu tư đồng hương. Chẳng hạn, hồi giữa năm 2018, Vingoup đã phát hành riêng lẻ 84 triệu cổ phiếu ưu đãi cho Hanwha Vietnam Opportunity Private Fund 1 và thu về 9.117 tỉ đồng.

Cổ phiếu ưu đãi không có quyền biểu quyết, bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm và có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Vingroup với giá chuyển đổi được quy định trong hợp đồng. Vingroup có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phiếu ưu đãi này trong khoảng thời gian 5,5 – 6,5 năm kể từ ngày phát hành.

Dù thận trọng, song SK Group không giấu diếm ý đồ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Quỹ đầu tư SK South East Asia Investment được thành lập tháng 8/2018 có mục tiêu tăng cường sự hiện diện của tập đoàn tại Đông Nam Á, nhằm thay thế cho thị trường Trung Quốc. Quỹ này có vốn ban đầu 500 triệu USD được góp từ 5 công ty thành viên, gồm SK E&C, SK Innovation, SK Telecom, SK Hynix và SK E&S.

Sau khoản đầu tư lớn tại Masan Group và Vingroup, SK Group đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam với việc thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam hồi đầu năm nay.

Trần Anh