Giải mã lí do Samsung ưa thích đầu tư vào Việt Nam: Doanh thu của các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử năm 2019 đạt gần 1,6 triệu tỉ đồng, vượt xa các Tập đoàn Nhà nước lớn như PVN, EVN hay Viettel
Công ty Samsung Electronics (Hàn Quốc) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2019 sau kiểm toán, qua đó tiết lộ thành quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này tại các thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Theo tính toán của người viết, ba trên 4 nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của Samsung tăng trưởng doanh thu so với năm ngoái. Trong đó sức tăng mạnh nhất đến từ nhà máy Samsung Thái Nguyên (SEVT) và Samsung TP HCM (SEHC), lần lượt đạt 16% và 17%. Cụ thể, Samsung Thái Nguyên đem về 676.339 tỉ đồng, Samsung TP HCM với qui mô nhỏ hơn đạt 101.646 tỉ đồng doanh thu.
Hai nhà máy của Samsung Electronics thiết lập tại tỉnh Bắc Ninh với qui mô hoạt động xếp thứ hai và thứ ba. Trong khi SEV sản xuất điện thoại tăng trưởng hơn 4%, đạt 460.426 tỉ đồng doanh thu; thì ngược lại SDV sản xuất tấm màn hình lại báo sự sụt giảm tới hơn 16%, chỉ đạt 342.230 tỉ đồng.
Tổng doanh thu của 4 nhà máy của “gã khổng lồ” điện tử Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam lên tới 1,58 triệu tỉ đồng trong năm vừa qua, tăng 3,9%. Con số này tương đương mức 26% nếu đem so sánh với GDP Việt Nam.
Lợi nhuận của các nhà máy này vẫn được duy trì tương đối ổn định, cao nhất là Samsung Thái Nguyên (SEVT) lãi ròng gần 47.500 tỉ đồng trong năm 2019; kế đến Samsung Electronics Việt Nam (SEV) cũng báo lãi hơn 36.200 tỉ đồng.
Như đã đề cập, Samsung Display Việt Nam (SDV) không chỉ sụt giảm về doanh thu, mà lợi nhuận cũng “bốc hơi” đáng kể với 40%, chỉ còn 12.400 tỉ đồng. Nhà máy còn lại Samsung TP HCM (SEHC) lãi gần 7.700 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận của cả 4 nhà máy thu về đạt 103.773 tỉ đồng, tăng nhẹ so với năm trước đó.
Kết quả hoạt động kinh doanh của Samsung Electronics tại Việt Nam trong những năm gần gây ghi nhận sự tăng trưởng khá ấn tượng. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động đầu tư trực tiếp, vai trò của những nhà máy này đối với các chỉ số của nền kinh tế ngày một gia tăng. Thống kê chỉ ra, trong 5 năm gần đây, doanh thu của các nhà máy Samsung Việt Nam đã tăng gần ba lần.
Theo bảng xếp hạng top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện, kể từ năm 2017, các công ty trực thuộc Samsung Electronics chính là những đơn vị đứng ở vị trí độc tôn.
Thậm chí kích cỡ của các công ty này được Vietnam Report cho rằng còn lớn hơn cả bộ ba Tập đoàn hàng đầu gồm PVN, EVN, Viettel.
Mới đây nhất, Samsung công bố việc chính thức bắt đầu xây dựng dự án Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (R&D) tại Tây Hồ, Hà Nội với qui mô lớn nhất Đông Nam Á.
Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam có tổng mức đầu tư khoảng 220 triệu USD với diện tích xây dựng là 11.603 m2 và diện tích sàn là 79.511 m2, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Khi đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ tuyển lực lượng nhân sự qui mô từ 2.200 đến 3.000 người.
Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỉ USD, trong đó riêng Samsung Electronics chiếm 9,5 tỉ USD.
Sự hiện diện đầu tiên của công ty này là nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008; tiếp theo đó là nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên; khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng và tivi tại TP HCM; và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại nội thành Hà Nội.