Lỗ ròng HAGL Agrico lên trên 2.400 tỉ đồng sau kiểm toán
HAGL Agrico lỗ kỉ lục năm 2019
CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 với doanh thu thuần đạt 1.811 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với năm trước.
Công ty tiếp tục lỗ sau thuế 2.426 tỉ đồng, cao gấp 4 lần con số lỗ 656,1 tỉ đồng trong năm 2018, đồng thời cũng là năm lỗ kỉ lục từ khi lên sàn. So với BCTC tự lập, doanh thu của HAGL Agrico không có thay đổi, tuy nhiên lỗ sau thuế tăng thêm hơn 100 tỉ đồng.
Doanh thu HAGL Agrico sụt giảm trong năm 2019 chủ yếu do hai mảng chính là trái cây và mủ cao su do tình trạng mưa lớn tại Lào vào tháng 9/2019 khiến 1.500 ha vườn cây bị ngập lụt.
Mặt khác, HAGL Agrico cũng không còn hợp nhất doanh thu từ nhóm công ty gồm Cao su Đông Dương, Đông Pênh, Cao su Trung Nguyên và không còn doanh thu từ ớt, bò thịt, và bất động sản như cùng kì năm 2018 do đã chuyển nhượng cho nhóm Thaco.
Trong khi doanh thu giảm sút, HAGL cũng chịu áp lực từ chi phí lãi vay với khoản nợ ngân hàng từ nhiều năm trước. Năm 2019, chi phí lãi vay ở mức 693 tỉ đồng, vẫn tăng nhẹ so với năm 2018 dù nợ vay giảm đi đáng kể. Khoản chi phí này cao gấp hơn 3 lần nếu so sánh với lợi nhuận gộp.
Cùng với đó, việc tái cơ cấu hoạt động với khoản đầu tư lớn vào phát triển các vườn cây cũng tiêu tốn hết trên 1.300 tỉ đồng trong năm vừa qua. Trong khi, các khoản chi phí khác cũng lên tới trên 230 tỉ đồng.
Con số lỗ có thể còn tăng thêm gần 232 tỉ đồng
Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính năm 2019, đơn vị kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y) tiếp tục có ý kiến ngoại trừ về việc hạch toán của HAGL Agrico là chưa đúng qui định.
Ernst & Young cho biết, HAGL Agrico đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại ngày 31/12/2018 với tổng số tiền là 192,4 tỉ đồng. Việc trích lập này cũng được thực hiện trong các năm trước căn cứ theo qui định về quản lí thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Trong khi đó, nhóm công ty không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN tương tự cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2019 với số tiền là 39,4 tỉ đồng do áp dụng nội dung mới của dự thảo sửa đổi Nghị định 20 dù Nghị định này chưa được phê duyệt chính thức.
Theo phía kiểm toán, nếu HAGL Agrico thực hiện việc ước tính và ghi nhận chi phí thuế TNDN theo qui định hiện tại của NĐ 20 cho năm 2019, chỉ tiêu "Thu nhập khác" sẽ giảm với số tiền là 192,4 tỉ đồng, chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN hiện hành" sẽ tăng 39,4 tỉ đồng.
Theo đó, lỗ trước thuế và lỗ sau thuế sẽ tăng tương ứng là 192,4 tỉ đồng và 231,8 tỉ đồng. Đồng thời, chỉ tiêu "Lỗ lũy kế" và chỉ tiêu "Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước" tại ngày 31/12/2019 sẽ tăng với cùng số tiền là 231,8 tỉ đồng.
Như vậy, nếu hạch toán theo ý kiến của kiểm toán, năm 2019 HAGL Agrico sẽ lỗ ròng 2.658 tỉ đồng thay vì mức lỗ ròng 2.426 tỉ đồng như công bố trong BCTC.
Tín hiệu tích cực sau "cái bắt tay" với Thaco
Trong một góc nhín khác, con số lỗ kỉ lục năm 2019 của HAGL Agrico có phần bớt tiêu cực hơn khi xét đến các yếu tố liên quan. Đơn cử, hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty vẫn có lời dù con số không lớn, trong khi đó lỗ sau thuế phần lớn đến từ các chi phí khác với 1.638 tỉ đồng, chủ yếu để phục vụ việc đầu tư phát triển vườn cây.
Một tín hiệu tích cực rõ nét hơn là cơ cấu tài chính của HAGL Agrico đã được cải thiện đáng kể sau cái "bắt tay" với Thaco. Nếu như năm 2018 nợ phải trả chiếm tới 65% cơ cấu nguồn vốn, thì đến hết năm 2019 tỉ lệ này đã giảm xuống còn chưa đến 58%.
Hơn thế nữa, các khoản nợ đã được thanh toán phần lớn là nợ vay, chính các khoản vay này đã tạo ra áp lực lớn về chi phí lãi vay trong các năm qua.
Trong năm 2019, hoạt động chuyển nhượng các công ty con cho nhóm Thaco đã giúp HAGL Agrico có nguồn lực thanh toán trước hạn hàng nghìn tỉ đồng trái phiếu và các khoản vay.
Các khoản thanh toán điển hình có thể kể đến như hơn 2.300 tỉ đồng trái phiếu của VPBank, gần 2.200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Thaco và hơn 3.000 tỉ đồng khoản vay từ công ty mẹ HAGL.
Theo đó, đến cuối năm 2019, tổng giá trị các khoản vay còn 9.205 tỉ đồng, giảm hơn 40% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn giảm từ 5.879 tỉ đồng xuống còn 4.655 tỉ đồng, vay dài hạn giảm từ 9.551 tỉ đồng xuống còn 4.550 tỉ đồng.