|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hai thái cực lợi nhuận của doanh nghiệp sau mùa báo cáo tài chính kiểm toán

11:45 | 14/04/2020
Chia sẻ
Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019; thống kê từ dữ liệu của FiinPro cho thấy nhiều doanh nghiệp có mức chênh lệch lợi nhuận tới hàng trăm tỉ đồng.
Doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch hàng chục tỉ đồng sau kiểm toán, ban lãnh đạo công ty nói gì? - Ảnh 1.

Nguồn: FiinPro, Thanh Tùng

Lợi nhuận tăng thêm hơn trăm tỉ đồng

Theo số số liệu tổng hợp từ FiinPro tính đến ngày 10/4, nhiều doanh nghiệp đã cải thiện được kết quả kinh doanh đáng kể sau báo cáo tài chính kiểm toán. 

Dẫn đầu về thay đổi tuyệt đối, CTCP Đầu tư Cao su Quảng Nam (Mã: VHG) từ lỗ 228 tỉ đồng xuống chỉ còn lỗ 26 tỉ đồng, chênh lệch 202 tỉ. Nguyên nhân của sự chênh lệch này chủ yếu do công ty điều chỉnh giảm 102 tỉ đồng dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại giảm hơn 105 tỉ đồng.

Danh sách các công ty có lợi nhuận tăng mạnh phải kể đến Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS), lãi sau thuế tăng gần 128 tỉ đồng lên 808 tỉ đồng, tương đương tăng 19%. 

Biến động này chủ yếu đến từ phần lãi trong đơn vị liên doanh, liên kết tăng do hợp đồng cung cấp, cho thuê FPSO PTSC Lam Sơn tại lô 1/97 và 2/97 đã được kí kết vào ngày 16/3/2020 và kết quả kinh doanh doanh của một số đơn vị thành viên được điều chỉnh tăng sau kiểm toán.

Hay như trường hợp của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) lợi nhuận sau thuế tăng hơn 116 tỉ đồng, đạt mức 2.873 tỉ đồng.

Theo BSR, nguyên nhân của sự thay đổi này chủ yếu do việc điều chỉnh giảm khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Cụ thể, trích lập dự phòng giảm giá đối với dầu thô, thành phẩm và dở dang tại BCTC được kiểm toán giảm 128 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. 

Những con số nhảy múa trên BCTC sau kiểm toán, ban lãnh đạo công ty nói gì? - Ảnh 2.

Nguồn: BSR

Một trường hợp khác có lãi tăng mạnh sau kiểm toán là CTCP Vinhomes (Mã: VHM). So với trước kiểm toán, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 199 tỉ đồng và giá vốn hàng bán giảm hơn 296 tỉ đồng.

Theo đó, lợi nhuận gộp của Vinhomes đã tăng gần 96 tỉ đồng. Vinhome cũng cho biết chi phí bán hàng của công ty giảm hơn 51 tỉ đồng trong khi chi phí quản lí doanh nghiệp tăng gần 40 tỉ đồng. Kết quả là lãi ròng của VHM tăng thêm gần 113 tỉ đồng sau kiểm toán, đạt 24.319 tỉ đồng.

HNG, TTF lỗ chồng thêm lỗ; CII lợi nhuận bốc hơi một nửa

Doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch hàng chục tỉ đồng sau kiểm toán, ban lãnh đạo công ty nói gì? - Ảnh 2.

Nguồn: FiinPro, Thanh Tùng

Đứng đầu trong nhóm doanh nghiệp giảm lãi là CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (Mã: CII) với mức lãi ròng giảm hơn 550 tỉ đồng, tương ứng giảm 51% so với báo cáo tài chính tự lập. Lí giải cho điều này, Ban lãnh đạo CII cho biết giữa đơn vị kiểm toán và công ty có khá nhiều khác biệt trong quan điểm ghi nhận doanh thu và chi phí.

Cụ thể, sau khi kí hợp đồng, xác nhận giá bán, giá vốn với các bên liên quan vào đầu năm 2020 cùng với việc khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại và dòng tiền về CII đã diễn ra vào năm 2019, nên CII đã ghi nhận doanh thu.

Tương tự, CII đã không hạch toán phần chi phí phát sinh thêm liên quan đến việc mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành cho Nhà đầu tư Hàn Quốc, vì chưa chắc chắn nghiệp vụ này sẽ xảy ra trong tương lai.

Đối với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV), lợi nhuận sau thuế năm 2019 ghi nhận giảm hơn 129 tỉ đồng, sau kiểm toán còn 8.214 tỉ đồng. 

Điểm tên những doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch hàng chục tỉ đồng sau kiểm toán - Ảnh 3.

Nguồn: ACV

Nguyên nhân chính của việc giảm lợi nhuận sau kiểm toán đến từ việc doanh thu hoạt động tài chính của ACV giảm từ 2.318 tỉ đồng xuống còn 1.920 tỉ đồng (do lãi chênh lệch tỉ giá giảm từ 440 tỉ đồng xuống còn 14 tỉ đồng), chi phí tài chính từ 511 tỉ đồng còn 104 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lí doanh nghiệp sau kiểm toán cũng tăng thêm 88 tỉ đồng và lãi khác giảm hơn 67 tỉ đồng...

CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) là trường hợp đã lỗ càng thêm lỗ sau kiểm toán. BCTC hợp nhất sau kiểm toán 2019 của đơn vị này cho thấy mức lỗ ròng 1.003 tỉ đồng, tăng thêm 121 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân là do khoản chi phí khác tăng mạnh từ 9 tỉ đồng lên tới 134 tỉ đồng. Theo thuyết minh chi tiết, chi phí khác của công ty phát sinh từ việc khấu hao tài sản cố định ngưng sử dụng (78 tỉ đồng) và bồi thường quyền phát triển rừng do không cung cấp đủ diện tích rừng trồng như đã cam kết (46,5 tỉ đồng).

Cùng cảnh ngộ với TTF là CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG). Trên BCTC hợp nhất sau kiểm toán năm 2019, HNG ghi nhận lỗ ròng gần 2.444 tỉ đồng so với con số trên báo cáo tự lập là 2.325 tỉ đồng, theo đó HNG ghi nhận lỗ thêm gần 119 tỉ đồng.

Cụ thể, sau kiểm toán doanh thu tài chính của HNG điều chỉnh tăng thêm 63,7 tỉ đồng nhưng chi phí tài chính lại giảm 92 tỉ đồng. Thêm vào đó, do chi phí quản doanh nghiệp tăng 14.1 tỉ đồng và lợi nhuận khác giảm hơn 221 tỉ đồng nên HNG ghi nhận lỗ thêm 118 tỉ đồng.

Đáng chú ý, cũng có những doanh nghiệp thay đổi trạng thái sau kiểm toán, đơn cử như trường hợp từ lãi thành lỗ của CTCP Xe khách Sài Gòn (Mã: BSG). Cụ thể, BSG chuyển từ lãi hơn 11 tỉ đồng sang lỗ hơn 69 tỉ đồng sau kiểm toán, đánh dấu năm thứ hai lỗ ròng sau khi công ty báo lỗ 37 tỉ đồng vào năm 2018.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác cũng ghi nhận lãi giảm mạnh như Ngân hàng BIDV (giảm 117 tỉ đồng), PV Gas (giảm 73 tỉ đồng), Camimex Group (giảm 63 tỉ đồng) hay như Tổng Công ty Phát điện 3 (Mã: PGV) lãi giảm 52 tỉ đồng...

Thanh Tùng