Lợi nhuận CII bốc hơi hơn 500 tỉ đồng sau kiểm toán, ông Lê Quốc Bình nói 'rất bất ngờ về kết quả này'
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019 vừa được công bố trên cổng thông tin Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII) trong năm 2019 là 196 tỉ đồng, giảm 524 tỉ đồng so với con số CII tự lập.
Theo BCTC hợp nhất quí IV/2019 của CII, doanh thu thuần đạt trên 1.819 tỉ đồng và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 720 tỉ đồng, vượt 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Lí giải về điều này, văn bản giải trình chênh lệch trên BCTC hợp nhất kiểm toán 2019 dẫn lời ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, cho rằng công ty bắt buộc phải thực hiện một số bút toán điều chỉnh làm giảm doanh thu và tăng chi phí.
Cụ thể, các khoản doanh thu từ các thương vụ mà CII đã kí hợp đồng với các bên liên quan trong năm 2019 đã xác định được giá bán, giá vốn. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính và thanh toán vào ngày đầu làm việc năm 2020, sự việc này xảy ra trước thời điểm BCTC kiểm toán được phát hành.
Theo CII, thời điểm diễn ra việc đàm phán và kí kết hợp đồng khung được cho là giai đoạn chiếm thời gian và khối lượng công việc nhiều nhất trong thương vụ. Khách hàng đã đặt cọc không hoàn lại hoặc dòng tiền về CII đã diễn ra vào năm 2019. Do đó, CII nhận định và ghi nhận các thương vụ này trong năm 2019.
Còn theo quan điểm của Kiểm toán viên thuộc Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam, các doanh thu này không ghi nhận trong năm 2019 mà sẽ được hạch toán vào tháng 1/2020 hoặc năm kế tiếp.
Tương tự, phần chi phí mua lại trái phiếu trước hạn mà CII đã phát hành cho nhà đầu tư Hàn Quốc do Rhinos Asset Management Co., Ltd. ("RAM") quản lí có thể phát sinh vào tháng 7/2020.
Theo quan điểm của CII, nghiệp vụ trái phiếu chưa chắc xảy ra trong tương lai nên tại BCTC tự lập công ty đã không hạch toán chi phí phát sinh thêm do mua lại. Để thận trọng, kiểm toán đã đề nghị CII ghi nhận chi phí phát sinh vào năm tài chính 2019.
Ngoài ra, lãi ròng hậu kiểm toán giảm còn do một số nguyên nhân như: Kiểm toán tính phân bổ thêm chi phí phát hành trái phiếu, trích trước lãi trái phiếu chưa đến hạn, tăng chi phí khấu hao do thay đổi thời gian thu phí cầu đường, trích lập các quĩ dự phòng…
Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, CII cho biết: "Có lẽ quí cổ đông cũng khá bất ngờ về kết quả hoạt động kinh doanh của công ty sau khi có kết quả kiểm toán.
Bản thân công ty cũng rất bất ngờ về kết quả kinh doanh năm 2019 sau kiểm toán. Trong quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán độc lập, đã có nhiều khác biệt về quan điểm giữa đơn vị kiểm toán và CII liên quan đến việc ghi nhận doanh thu và chi phí."
CII đứng trước hai phương án, cổ phiếu có khả năng vào diện cảnh báo
Trước tình huống nói trên, CII cho biết công ty có hai phương án lựa chọn. Thứ nhất là chấp nhận cho đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ, nghĩa là CII giữ nguyên quan điểm phát sinh năm nào thì hạch toán năm đó.
Trong trường hợp kiểm toán có ý kiến ngoại trừ sẽ gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với CII và cổ đông. Cổ phiếu CII có khả năng cao sẽ bị xếp vào diện cảnh báo và không được phép giao dịch kí quĩ theo qui định.
Theo đó, các tổ chức tài chính, tín dụng sẽ rất thận trọng trong việc tài trợ vốn cho CII và các dự án của công ty.
Đồng thời, các cổ đông, đặc biệt là quĩ đầu tư nước ngoài sẽ bán tháo cổ phiếu CII trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
Ở phương án thứ hai, CII chấp nhận điều chỉnh BCTC theo ý kiến của kiểm toán viên, điều này dẫn đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán.
CII cho biết về mặt bản chất, nếu tính cho một vòng đời là hai năm thì tổng doanh thu và tổng chi phí ghi nhận trong hai năm (2019 và 2020) không thay đổi, nếu đã ghi nhận trong năm 2019 thì sẽ không ghi nhận trong năm 2020 và ngược lại.
"Việc CII chấp nhận điều chỉnh BCTC theo ý kiến kiểm toán thì kiểm toán sẽ không có ý kiến ngoại trừ, tạo sự ổn định đối với hoạt động của CII và quí cổ đông", văn bản của CII nêu rõ.