Chuyển nhượng hơn 7.600 tỉ đồng mảng cao su và cọ dầu cho Thaco, HAGL Agrico của 'bầu Đức' còn lại gì?
Chuyển nhượng 6 công ty con trong mảng cao su và cọ dầu cho Thaco
Kể từ tháng 6 đến nay, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) đã chuyển nhượng 6 công ty con (bao gồm cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp) cho CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi, công ty con của CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco). Tổng giá trị chuyển nhượng là 7.627 tỉ đồng.
Đây là động thái nằm trong tiến trình hợp tác chiến lược giữa doanh nghiệp "bầu Đức" và Thaco của ông Trần Bá Dương theo thỏa thuận hứa mua bán cổ phần được kí kết tháng 4 năm nay.
HAGL Agrico đã rút vốn khỏi 6 công ty con trong năm 2019. (Nguồn: ST tổng hợp)
Trong đó, CTCP TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương do HAGL Agrico sở hữu 100% với vốn điều lệ 1.465 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực trồng cây cao su và chế biến các sản phẩm từ cao su, trồng rừng và chăm sóc rừng, xây dựng nhà, công trình dân dụng, buôn bán may móc thiết bị và phụ tùng khác, vận tải hàng hóa.
Với việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Cao su Đông Dương, các công ty con của đơn vị này cũng không còn thuộc quyền sở hữu của HAGL Agrico, gồm Công ty TNHH Eastern Rubber, Công ty TNHH Cao su Bình Phước Kratie 2 và Công ty TNHH Suvann Vuthy.
Đơn vị thứ hai được chuyển nhượng là CTCP Cao su Trung Nguyên, công ty con được HAGL Agrico thành lập vào năm 2008 để phục vụ cho lĩnh vực trồng cây cao su và một số loại cây ăn trái. Tại thời điểm công bố chuyển nhượng ngày 10/9, Cao su Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.264,6 tỉ đồng, trong đó HAGL Agrico sở hữu 99,91%.
Đơn vị còn lại là CTCP Đông Pênh mới được thành lập vào năm năm 2014 với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, trong đó HAGL Agrico sở hữu 99,975%. Đông Pênh hoạt động trong lĩnh vực chính là trồng cây trồng cây cọ dầu, ngoài ra còn trồng thêm cây cao su, mía đường, lương thực và một số loại cây lâu năm khác.
Trong danh mục các công ty con của HAGL Agrico, ba đơn vị vừa được chuyển nhượng chiếm tới 57% tổng giá trị đầu tư. Trong đó, Cao su Trung Nguyên đứng đầu với 3.278 tỉ đồng; Cao su Đông Dương và Đông Pênh có giá trị đầu tư lần lượt 2.184 tỉ đồng và 1.923 tỉ đồng.
Như vậy, tính theo giá trị ghi sổ, HAGL Agrico có thể thu về khoản lãi 242 tỉ đồng từ việc thoái vốn tại các công ty con.
Ba công ty được chuyển nhượng cho Thaco chiếm giá trị lớn trong danh mục đầu tư của HAGL Agrico. (Nguồn: BCTC bán niên 2019)
Khoản tiền lớn thu về từ việc thoái vốn có thể giúp HAGL Agrico trang trải cho các khoản nợ đang đến hạn. Tuy nhiên, với việc bán đi những khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục, nhiều cổ đông băn khoăn liệu HAGL Agrico sẽ còn lại những gì sau khi đã chuyển nhượng mảng cao su và cọ dầu cho Thaco?
Còn lại 8 công ty con với giá trị đầu tư 5.492 tỉ đồng
Theo số liệu trong BCTC bán niên 2019, tính đến ngày 30/6, HAGL Agrico sở hữu trực tiếp 11 công ty con với tổng giá trị đầu tư 13.054 tỉ đồng.
Sau khi chuyển nhượng 7.562 tỉ đồng mảng cao su và cọ dầu cho Thadi, HAGL Agrico còn sở hữu trực tiếp 8 công con với giá trị đầu tư 5.492 tỉ đồng, tương ứng giảm giảm 57% so với thời điểm trước thoái vốn.
HAGL Agrico hiện còn sở hữu trực tiếp 8 công ty con hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. (Nguồn: BCTC bán niên 2019)
Trong mảng kinh doanh chủ lực là trồng cây cao su và cây ăn trái, doanh nghiệp "bầu Đức" còn sở hữu 5 công ty, trong đó đơn vị lớn nhất là Hoàng Anh Attapeu với giá trị góp vốn 2.101 tỉ đồng.
Tuy nhiên, "nồi cơm chính" này lại vừa phải hứng chịu những ảnh hưởng từ đợt mưa lũ tại Lào. Theo thông tin từ HAGL Agrico, nước tràn vào vùng dự án đã gây ngập lụt 1.500 ha trái cây của công ty.
Trong đó, 1.200 ha diện tích trồng chuối đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và 300 ha diện tích cây ăn trái khác, chủ yếu là cây mít đang trong giai đoạn phát triển cho ra trái. Hiện, Công ty Hoàng Anh Attapeu đang tích cực triển khai các biện pháp khắc phục vườn cây sau lũ.
Tại Việt Nam, HAGL Agrico đang có hai công ty là An Đông Mia và Hoàng Anh - Quang Minh với vốn góp lần lượt 883 tỉ đồng và 441 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty cũng có hai đơn vị tại Campuchia gồm Hoàng Anh Rattanakiri (944 tỉ đồng) và Hoàng Anh Oyadav (191 tỉ đồng).
Đối với mảng chăn nuôi bò, HAGL Agrico góp vốn 616 tỉ đồng vào CTCP Bò sữa Tây Nguyên. Tuy nhiên, công ty tuyên bố đã chấm dứt mảng hoạt động liên quan đến chăn nuôi bò từ đầu năm 2019, theo đó trong nửa đầu năm cũng không còn doanh thu từ mảng này.
Ngoài ra, HAGL Agrico hiện còn một công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là Hoàng Anh Đắk Lắk (394 tỉ đồng) và công ty thương mại là Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai (100 tỉ đồng).
Nợ vay có thể giảm
Bắt đầu từ tháng 6/2019, với số tiền tạm ứng chuyển nhượng 4.337 tỉ đồng từ Thadi, HAGL đã tiến hành tái cơ cấu các khoản nợ. Theo đó, đến hết quí II/2019, tổng các khoản vay của công ty đã giảm 3.211 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Nợ vay của HAGL Agrico giảm 3.211 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019. (Nguồn: BCTC bán niên 2019)
Trong đó, đáng chú ý HAGL Agrico đã thanh toán trước hạn toàn bộ hơn 1.700 tỉ đồng trái phiếu đối với trái chủ VPBank.
Ngoài ra, HAGL Agrico cũng đã tiến hành chuyển đổi 2.205 tỉ đồng trái phiếu ngắn hạn thành hơn 221,7 triệu cổ phiếu HNG cho các trái chủ, trong đó phần lớn thuộc sở hữu của Thaco.
Như vậy, trừ cả khoản nợ trái phiếu ngắn hạn đã được thanh toán, doanh nghiệp "bầu Đức" còn nợ vay hơn 10.000 tỉ đồng, tương ứng giảm hơn 30% so với thời điểm đầu năm.
Trong trường hợp HNG nhận được thêm số tiền còn lại (Tổng giá trị chuyển nhượng là 7.627 tỉ đồng trừ đi khoản Thadi đã tạm ứng 4.337 tỉ đồng), số nợ vay của HAGL Agrico có thể sẽ được giảm xuống trong nửa cuối năm nay.
Chưa hết khó khăn
Sau một năm hợp tác với Thaco, HAGL Agrico đã cho thấy những tín hiệu tài chính tích cực khi giảm đáng kể các khoản nợ vay, tuy nhiên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhìn chung vẫn chưa được cải thiện.
Nửa đầu năm 2019, HAGL Agrico ghi nhận 781,8 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 58% so với cùng kì. Đáng chú ý, công ty tiếp tục ghi nhận khoản lỗ sau thuế 752 tỉ đồng trong nửa đầu năm.
Cơ cấu doanh thu của HAGL Agrico trong nửa đầu năm 2019. (Nguồn: BCTC bán niên 2019)
Trong cơ cấu doanh thu, mảng chủ lực là trái cây chiếm đến 75% dù đã sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm nay nhưng vẫn đang lâm cảnh hết sức khó khăn; đặc biệt là ảnh hưởng từ trận lụt tại Lào vừa qua có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến cả vốn đầu tư của doanh nghiệp và sản lượng trong giai đoạn tiếp theo.
Trong khi đó, doanh thu từ ớt cũng giảm đáng kể so với nửa đầu năm trước, từ 429 tỉ đồng cùng kì năm ngoái chỉ còn 39 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm nay. Nguyên nhân được ban lãnh đạo HAGL Agrico cho biết là do công ty đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ngắn ngày sang cây dài ngày và điều tiết mùa vụ nên doanh thu từ ớt, chanh dây và trái cây đều giảm.