|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Dragon Capital buộc phải bán cổ phần Imexpharm để cơ cấu danh mục, tin tưởng SK Group sẽ giúp công ty phát triển

18:15 | 01/06/2020
Chia sẻ
SK Group vừa mua lại 12,3 triệu cổ phiếu Imexpharm, phần lớn số này do Dragon Capital bán ra.
ĐHĐCĐ Imexpharm: Biên lãi gộp giảm nhưng biên lãi ròng chắc chắn không giảm - Ảnh 1.

Ngày 30/5, CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2020 tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2020 với chỉ tiêu tổng doanh thu 1.750 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 260 tỉ đồng, lần lượt tăng trưởng 23% và 29% so với thực hiện năm 2019. Mức trả cổ tức dự kiến cho năm 2020 là 15% - 18% vốn điều lệ.

Phương án phát hành hơn 4,9 triệu cổ phiếu, tương đương 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu được chấp thuận. Imexpharm cũng sẽ phát hành hơn 9,8 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số lượng cổ phiếu lưu hành để phát hành thêm cổ phiếu thưởng cho các cổ đông. Ngoài ra, IMP sẽ phát hành 2,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Lượng cố phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm.

Gần đây, việc một tổ chức của SK Group (Hàn Quốc) là SK Investment Vina III Pte. Ltd nhận chuyển nhượng quyền sở hữu gần 12,3 triệu cổ phiếu IMP đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán.

Phần lớn số cổ phiếu trên được mua lại từ nhóm quĩ Dragon Capital với 11,3 triệu đơn vị. Phần còn lại đến từ một số quĩ khác như CAM Vietnam Mother Fund, Kingsmead, Mirae Asset…

Phát biểu tại đại hội, ông Vữ Hữu Điền - Giám đốc đầu tư Dragon Capital cho biết đơn vị này buộc phải bán cổ phiếu IMP để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Theo ông Điền, SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, số một về đầu tư gián tiếp tại Việt Nam và sẽ góp phần đưa Imexpharm phát triển.

Liên quan đến chính sách bán hàng thu tiền ngay, Bà Trần Thị Đào - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Imexpharm cho biết sản phẩm thuốc bán lấy tiền mặt rất khó, đặc biệt là trong thị trường cạnh tranh, các công ty tranh nhau bán, nếu áp dụng thu tiền ngay thì doanh thu sẽ giảm nhiều.

Bà Đào khẳng định: "Kênh phân phối ETC (qua bệnh viện) mang giá trị doanh thu cao là bán thông qua nhà phân phối (NPP), do đó công ty xây dựng mức chiết khấu cao cho NPP thì chi phí bán hàng cũng được tiết giảm. Chúng tôi đang đi theo xu hướng trên thế giới đó là nhà sản xuất thì chỉ sản xuất còn bán hàng thì thông qua nhà phân phối".

Đối với vấn đề quản lí công nợ, ông Nguyễn Quốc Định - Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Imexpharm nhấn mạnh: "Việc cắt giảm công nợ cần phải có lộ trình, còn cắt giảm ngay phải chịu giảm doanh số và thị phần, trong khi thị phần là yếu tố quyết định thành công của công ty".

Cũng theo ông Định, hiện công ty đã qui định hạn mức nợ từ 1/2, 1/3 giảm còn 1/5, 1/6 giá trị hợp đồng; công nợ thị trường giảm từ 75 ngày xuống 45 ngày, với OTC (kênh nhà thuốc) chỉ còn 30 ngày và xu hướng chỉ còn 20 ngày.

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc lãi gộp trước đây ở mức 46% - 50% nhưng đến nay giảm xuống mức 35% - 36%, Chủ tịch Imexpharm cho biết xu hướng giảm này một phần ảnh hưởng từ việc quản lí kê khai giá, kiểm soát giá của ngành, phần còn lại vì thời gian qua công ty đầu tư nhiều nhà máy làm tăng chi phí khấu hao.

"Chiến lược phân phối của Imexpharm là một phần tham gia đấu thầu dựa trên khả năng, một phần cắt cho đối tác bởi đối tác có kinh nghiệm trên địa bàn họ hoạt động. Trước đây họ nhập khẩu, nếu mình không bán cho họ thì mình phải cạnh tranh với họ.

Do đó, việc chiết khấu cho đối tác làm giảm biên lợi nhuận gộp nhưng chắc chắn không giảm biên lợi nhuận ròng và có nhiều lợi ích khác.", ông Định thông tin thêm.

ĐHĐCĐ Imexpharm: Biên lãi gộp giảm nhưng biên lãi ròng chắc chắn không giảm - Ảnh 2.

Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp từ BCTC

Thu Thảo