|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

KBSV: Cảng Sài Gòn có thể xóa lỗ lũy kế trong nửa đầu năm, mở ra cơ hội trả cổ tức

08:36 | 18/02/2021
Chia sẻ
Theo KBSV, việc đổi ý duy trì phần vốn góp tại Ngọc Viễn Đông hồi đầu năm 2019 đã tạo giúp Cảng Sài Gòn có lợi thế tiếp tục kinh doanh khai thác tàu khách tại Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và duy trì sự hiện diện tại khu vực đất vàng trung tâm TP HCM.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa đưa ra nhận định tích cực đối với CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) nhờ triển vọng của các dự án cảng biển, đặc biệt là dự án Khu liên hợp Nhà Rồng – Khánh Hội tại đất vàng trung tâm TP HCM.

Theo KBSV, việc đổi ý duy trì phần vốn góp tại Ngọc Viễn Đông hồi đầu năm 2019 đã tạo điều kiện để Cảng Sài Gòn có lợi thế tiếp tục kinh doanh khai thác tàu khách tại Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội và giúp doanh nghiệp duy trì sự hiện diện của mình tại một trong những dự án bất động sản có vị trí đắc địa tại trung tâm TP HCM. 

Thông tin từ KBSV, dự án Khu phức hợp Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội nằm ở vị trí đắc địa tại quận 4 trên tuyến giao thông huyết mạch nội đô. Tổng khu cảng Nhà Rồng – Khánh Hội có diện tích khoảng 45 ha, sẽ được quy hoạch thành hai hạng mục. 

Trong đó, phần diện tích hơn 13 ha tính từ mép cầu cảng sẽ thành khu cảng tàu khách và du lịch đường thủy. Diện tích hơn 31 ha còn lại cạnh đường Nguyễn Tất Thành thành Khu phức hợp Nhà Rồng – Khánh Hội được TP HCM chấp thuận cho Ngọc Viễn Đông là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư với tổng mức đầu tư lên đến 17.000 tỷ đồng. 

Dự án Khu Phức Hợp Nhà Rồng Khánh Hội bao gồm hệ thống trung tâm mua sắm dịch vụ, căn hộ thương mại (3.116 căn), biệt thự (32 căn) cùng hệ thống dịch vụ tiện ích.

Cảng Hiệp Phước sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho Cảng Sài Gòn

Về cảng Hiệp Phước đã được định hướng trở thành khu bến cảng chính của cảng biển TP HCM trong tương lai trong quy hoạch chi tiết về nhóm cảng biển Đông Nam Bộ của Bộ Giao thông vận tải. 

Cảng nằm trên vị trí cửa ngõ cho phép hàng hóa xuất nhập khẩu kết nối thuận tiện với các cảng khu vực TP HCM, các tỉnh Nam bộ cũng như chuyển tiếp hàng hóa xuất khẩu ra khu vực Cái Mép - Thị Vải. 

So với cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hiện có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn hơn lên đến 50.000 DWT trong giai đoạn 1 và nâng lên 75.000 DWT sau giai đoạn 2.

Theo KBSV, cảng Hiệp Phước sẽ là động lực tăng trưởng dài hạn cho Cảng Sài Gòn.

Ngoài ra, triển vọng đang dần tích cực tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải khi trở thành trung tâm cảng quốc tế ở miền Nam với xu hướng dịch chuyển công suất từ cảng thượng nguồn sang cảng nước sâu ở hạ nguồn.

Đối với cảng Cái Mép - Thị Vải, Cảng Sài Gòn hiện sở hữu ba công ty kiên kết và đầu tư tài chính hoạt động tại cụm cảng này bao gồm hai cảng container CMIT và SSIT và một cảng rời SP – PSA. 

Theo KBSV, trong những năm qua, chi phí khấu hao và lãi vay cao của dự án này dẫn tới lỗ hoạt động làm ăn mòn lợi nhuận của Cảng Sài Gòn. Công ty mẹ đã phải trích lập dự phòng tài chính cho khoản đầu tư vào 3 công ty liên doanh này.

Tuy nhiên, triển vọng đang tích cực hơn tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải khi có xu hướng dịch chuyển công suất từ cảng thượng nguồn sang cảng nước sâu ở hạ nguồn. Theo đó, KBSV cho rằng Cảng Sài Gòn có thể sẽ ghi nhận lợi nhuận từ liên doanh liên kết dương trong những năm tới nhờ lượng hàng container qua các cảng này tăng mạnh.

Với những triển vọng tích cực trên, KBSV cho rằng Cảng Sài Gòn sẽ xóa lỗ lũy kế trong nửa đầu năm 2021, mở ra cơ hội thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông.

Năm 2020, Cảng Sài Gòn công bố kết quả kinh doanh với doanh thu 935,9 tỷ đồng, giảm 16,5% so với năm 2019 nhưng lợi nhuận sau thuế tăng gần 13% lên 232,8 tỷ đồng. Tuy nhiên công ty vẫn ôm lỗ lũy kế 72 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, dù đã giảm đáng kể so với khoản lỗ 297 tỷ đồng hồi đầu năm.

Thu Thủy