|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Biểu đồ mạng nhện (Spider Web Diagram) là gì? Lợi ích và các bước áp dụng

10:41 | 19/03/2020
Chia sẻ
Biểu đồ mạng nhện (tiếng Anh: Spider Web Diagram) là một đồ thị cho phép bạn đánh giá được hiệu quả thực hiện theo một số mục tiêu, sử dụng kèm theo nhiều tiêu chí.
Biểu đồ mạng nhện (Spider Web Diagram) là gì? Lợi ích và các bước áp dụng - Ảnh 1.

Hình minh hoạ (Nguồn: digitalpeople)

Biểu đồ mạng nhện

Khái niệm

Biểu đồ mạng nhện trong tiếng Anh được gọi là Spider Web Diagram.

Biểu đồ mạng nhện là một đồ thị cho phép bạn đánh giá được hiệu quả thực hiện theo một số mục tiêu, sử dụng kèm theo nhiều tiêu chí.

Mỗi trục của Biểu đồ mạng nhện biểu hiện một tiêu chí. Ta có thể sử dụng biểu đồ này trong quá trình đối sánh (benchmarking) để trình bày:

- Hiệu quả hoạt động hiện tại;

- Mục đích hay mục tiêu trước mắt;

- Những gì có thể là chuẩn mực của ngành;

- Những gì xem là chuẩn mực quốc tế.

Lợi ích

- Cho phép so sánh được các giá trị đạt được so với mức trung bình của ngành, từ đó thấy được điểm mạnh điểm yếu của doanh nghiệp.

- Được sử dụng mỗi khi nhóm cải tiến muốn hiểu được tiến độ thực hiện hiện nay của mình và nên đặt sự ưu tiên tại điểm nào để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn.

Áp dụng

Bước 1: Lựa chọn và xác định tiêu chí, có thể chấp nhận khoảng từ 5 đến 10 loại tiêu chí. Bạn có thể dùng phương pháp động não (Brainstorming) hoặc kết hợp với biểu đồ tương đồng (Affinity Diagram) để xác định tiêu chí thích hợp.

Bước 2: Vẽ một vòng tròn với những nan hoa, mỗi nan hoa được tương ứng với một tiêu chí. 

Tâm của vòng tròn đánh số 0 - tức là chưa thực hiện được gì (hiệu quả thực hiện bằng 0), đầu bên ngoài của nan hoa được đánh số lớn nhất - hiệu quả thực hiện cao nhất. Hiệu quả thực hiện có thể xếp loại theo chủ quan hoặc khách quan.

Bước 3: Xếp loại tất cả tiêu chí hiệu quả thực hiện. Nếu là đánh giá chủ quan thì có thể do mỗi thành viên của nhóm hoặc có thể do nhóm hoàn thành với sự nhất trí của mọi người.

Bước 4: Nếu tiêu chí đưa ra có dữ liệu cho thấy tính chất khách quan thì có thể ghi lại trên biểu đồ.

Bước 5: Kết nối dữ liệu và tô màu làm rõ vùng bên trong các điểm nối. Có thể sử dụng các màu sắc khác nhau khi thể hiện dữ liệu lấy từ cá nhân, hoặc chỉ dùng một màu nhưng với chấm lớn hơn.

Bước 6: Thảo luận kết quả để đảm bảo chắc chắn rằng biểu đồ của bạn được trình bày rõ ràng và nhất quán.

(Tài liệu tham khảo: Các hệ thống quản lí và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020", NXB Hồng Đức)

Diệu Nhi