Biện pháp bảo đảm tín dụng là gì? Các biện pháp bảo đảm tín dụng
Hình minh họa (Nguồn: Credit Guarantee)
Biện pháp bảo đảm tín dụng
Bảo đảm tín dụng là việc các ngân hàng thiết lập cơ sở pháp lí và kinh tế, tạo điều kiện cho ngân hàng thỏa mãn nhu cầu thu hồi tín dụng đã cấp trong trường hợp người vay không thực hiện trả nợ theo qui định.
Biện pháp bảo đảm tín dụng là những biện pháp của ngân hàng trong trường hợp người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo qui định.
Biện pháp bảo đảm tín dụng bao gồm bảo đảm bằng tài sản và bảo đảm không có tài sản. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Các loại biện pháp bảo đảm tín dụng
Biện pháp bảo đảm tín dụng bằng tài sản
Biện pháp bảo đảm tín dụng bằng tài sản bao gồm: Cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay; bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba; bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay.
Trong thực tế, các loại tài sản thường được dùng làm bảo đảm tiền vay bao gồm:
- Tài khoản phải thu: Ngân hàng nhận bảo đảm tín dụng bằng việc qui định tỉ lệ % (thông thường từ 40 đến 90%) giá trị của tài khoản phải thu (bán hàng chịu, hay tín dụng thương mại) theo số liệu trên bảng cân đối tài chính.
Khi khách hàng của người vay thanh toán tiền hàng mua chịu, thì số tiền này được dùng để trả nợ cho ngân hàng. Để việc thu nợ được thuận lợi, ngân hàng cho vay thường yêu cầu người vay mở tài khoản và thực hiện thanh toán qua mình.
- Bao thanh toán: Ngân hàng có thể mua tài khoản phải thu của người vay theo một tỉ lệ % nhất định theo giá trị ghi sổ.
Tỉ lệ % này phụ thuộc vào chất lượng và thời hạn của các khoản phải thu. Bởi vì ngân hàng đã mua khoản phải thu (chuyển giao quyền sở hữu), nên ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng của người vay là khoản tiền thanh toán mua hàng chịu sẽ trả trực tiếp cho ngân hàng.
Thông thường, người vay phải cam kết với ngân hàng là sẽ bù đắp những khoản tiền phải thu nhưng thực tế không thu được.
- Hàng tồn kho: Để bảo đảm tín dụng, ngân hàng có thể nhận hàng tồn kho, vật tư, nguyên liệu của người vay làm tài sản cầm cố. Thông thường, ngân hàng chỉ cho vay một tỉ lệ % nhất định (từ 30 đến 80%) trên giá trị thị trường hiện hành của tài sản cầm cố, nhằm phòng ngừa hàng hóa giảm giá.
Tài sản cầm cố có thể do người vay kiểm soát hoàn toàn, nhưng giấy tờ sở hữu do ngân hàng nắm giữ. Một sự lựa chọn khác có thể là, ngân hàng là người nắm giữ tài sản cầm cố cho đến khi nào nợ được trả hoàn toàn.
- Thế chấp tài sản cố định: Các ngân hàng cũng có thể chấp nhận bảo đảm tín dụng bằng tài sản cố định (đất đai và những công trình gắn liền với đất).
- Cầm cố các động sản lâu bền, có giá trị: như phương tiện vận tải, xe hơi, dây chuyền sản xuất, bằng phát minh, sáng chế...
- Thế chấp tài sản cố định: Các ngân hàng cũng có thể chấp nhận bảo đảm tín dụng bằng tài sản cố định (đất đai và những công trình gắn liền với đất).
- Bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba: Trong trường hợp người vay không có tài sản bảo đảm tín dụng thì phải có một bên thứ ba đứng ra dùng tài sản của mình để bảo lãnh. Bảo lãnh là việc bên thứ ba cam kết với bên cho vay là sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người vay nếu người vay không trả được nợ khi đến hạn.
Bảo đảm tín dụng trong trường hợp cho vay không có bảo đảm bằng tài sản
Tổ chức tín dụng chủ động lựa chọn khách hàng vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp); tổ chức tín dụng nhà nước được cho vay không có bảo đảm theo chỉ định của Chính phủ; Tổ chức tín dụng cá nhân, hộ gia đình nghèo vay có bảo lãnh bằng tín chấp của tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)