|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Vòng đời sản phẩm quốc tế (International Product Life Cycle - IPLC) là gì?

11:42 | 10/12/2019
Chia sẻ
Vòng đời sản phẩm quốc tế (tiếng Anh: International Product Life Cycle, viết tắt: IPLC) là khoảng thời gian tồn tại của sản phẩm trên thị trường, kể từ khi sản phẩm thâm nhập thị trường cho đến khi bị loại bỏ khỏi thị trường nước ngoài.
Vòng đời sản phẩm quốc tế (International Product Life Cycle - IPLC) là gì? Các pha của vòng đời sản phẩm quốc tế - Ảnh 1.

Hình ảnh minh họa (Nguồn: abbreviationfinder.org)

Vòng đời sản phẩm quốc tế 

Khái niệm

Vòng đời sản phẩm quốc tế trong tiếng Anh là International Product Life Cycle, viết tắt là IPLC.

Theo các soạn giả Marketing, vòng đời sản phẩm quốc tế là khoảng thời gian tồn tại của sản phẩm trên thị trường, kể từ khi sản phẩm thâm nhập thị trường cho đến khi bị loại bỏ khỏi thị trường nước ngoài.

Các pha của vòng đời sản phẩm quốc tế

Pha 0: Đổi mới trong nước (Domestic Innovation)

Nước khởi xướng sản phẩm mới: Lí thuyết về thương mại quốc tế cũng như thực tiễn đã chỉ rõ, Mĩ là trung tâm lớn nhất về kinh tế, tài chính và thương mại quốc tế. Đặc biệt từ sau Thế chiến thứ hai, Mĩ là nước có ưu thế tuyệt đối về kinh tế - thương mại so với các nước khác như Nhật, Đức, Anh, Pháp… 

Do vậy, trên thị trường thế giới, Mĩ cũng thường là nước đi tiên phong trong việc đổi mới sản phẩm

Thị trường mục tiêu của sản phẩm mới: Những công ty lớn điển hình (TNCs) của Mĩ thường đi tiên phong trong việc đổi mới sản phẩm do có ưu thế về vốn và công nghệ, nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao. Sản phẩm mới sau quá trình đầu tư và sản xuất đều được tiêu thụ ở ngay thị trường Mĩ trong suốt pha này.

Pha 1: Đổi mới ngoài nước (Overseas Innovation)

Thâm nhập quốc tế: Đây là pha bắt đầu xuất khẩu sản phẩm mới của Mĩ, gắn liền với nó là việc đẩy mạnh quảng cáo quốc tế ở các thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Sau khi nhu cầu của thị trường nội địa Mĩ đã được đáp ứng tương đối đầy đủ, các hãng khởi xướng của Mĩ bắt đầu tiến trình đổi mới sản phẩm của mình ra thị trường nước ngoài bằng con đường xuất khẩu. 

Như vậy, kể từ pha này, IPLC kéo dài hơn và mang lại hiệu quả kinh doanh cao hơn so với NPLC. Đây cũng là ưu việt của kinh doanh quốc tế nói chung và IPLC nói riêng.

Thị trường mục tiêu: Thông thường thị trường nước ngoài đầu tiên mà các hãng Mĩ thâm nhập là các nước phát triển cao và tương đồng với Mĩ về kinh tế – văn hoá – xã hội, nhất là những nên văn hoá nói tiếng Anh như Canada, Anh, Úc… 

Trong thời kì đầu, xuất khẩu sang nhóm nước này chiếm 1/2 tổng xuất khẩu sản phẩm mới của Mĩ ra các nước ngoài. Sau đó, xuất khẩu cũng mở rộng nhanh chóng ra các nước khác như Đức, Italia, Pháp, Nhật và bao trùm các nước phát triển khác.

Pha 2: Tăng trưởng và chín muồi (Growth & Maturity)

Theo V.H. Kirpalani, sự gia tăng nhu cầu ở các nước phát triển là điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất mở rộng qui mô, đổi mới sản phẩm và thoả mãn người tiêu dùng. Trên thực tế, lợi nhuận từ đổi mới sản phẩm, là rất cao so với các sản phẩm khác. Đây là yếu tố đảm bảo cho tiêu thụ sản phẩm mới tăng nhanh.

Kết quả gia tăng nhập khẩu của các nước phát triển tất yếu dẫn đến kim ngạch xuất khẩu của Mĩ đạt cao nhất và ổn định ở mức đó, thể hiện rõ trạng thái chín muồi và bão hoà. Xin đừng quyên rằng, thời gian bão hoà này được duy trì trong một thời gian nhất định như một pha cụ thể trong IPLC. 

Điều này rất có ý nghĩa thực tế trong việc quản lí và điều phối sản phẩm. Chi phí sản xuất của sản phẩm mới nhìn chung giảm và ổn định ở mức thấp nhất. Bắt đầu sản xuất sản phẩm ở nước ngoài: Trên thực tế, nhóm nước phát triển nhập khẩu đã có đủ thời gian làm quen với sản phẩm mới. 

Do nhu cầu sản phẩm mới mở rộng, lợi nhuận hấp dẫn cho nên nhiều nhà sản xuất của các nước giàu thuộc nhóm G7 (như Nhật Bản, Đức, Anh…) cũng tận dụng ưu thế về vốn và công nghệ của mình để bắt đầu sản xuất tại thị trường nội địa của họ nhằm tranh thủ kiếm lời. 

Tiếp theo đó, việc sản xuất sản phẩm mới cũng mở rộng và bao trùm các nước phát triển khác, gắn liền với việc xuất khẩu công nghệ bắt đầu được thực hiện.

Xuất khẩu bắt đầu sang các nước đang phát triển (ĐPT): Đến cuối pha này, trước nguy cơ giảm sút xuất khẩu sang các nước phát triển, các hãng khởi xướng của Mĩ buộc phải tìm kiếm thị trường xuất khẩu sang các nước đang phát triển.

Pha 3: Bắt chước trên toàn thế giới (World-wide Immitaion)

Bắt chước sản phẩm mới trên toàn cầu: Tiến trình sản xuất này thường áp dụng hình thức sao chép là chủ yếu vì có sản phẩm nhanh nhất, thứ đến là liên doanh và cấp giấy phép.
Đây là bước xuất khẩu công nghệ thứ 2 từ Mĩ sang các nước đang phát triển. 

Trong khi các hãng thuộc nhóm nước ĐPT bắt chước sản phẩm mới để tiêu thụ nội địa thì các hãng thuộc nhóm nước phát triển Tây Âu và Nhật Bản do đi trước nên không chỉ tiêu thụ ở nước mình còn xuất khẩu sang các nước ĐPT và cạnh tranh với các công ty khởi xướng Mĩ.

Xuất khẩu của Mĩ giảm mạnh và bước vào pha suy thoái: Nhiều hãng của các nước phát triển khác đẩy mạnh sản xuất và bán ra ở ngay nước họ nhằm thu lợi nhuận cao. Do vậy, lượng nhập khẩu của các nước phát triển khác giảm đáng kể. Mặt khác, các hãng này còn tranh thủ xuất khẩu sang nhiều nước ĐPT và cạnh tranh gay gắt với các công ty Mĩ.

Nhiều hãng khác ở các nước ĐPT cũng bắt đầu đổi mới sản phẩm, chủ yếu theo hình thức bắt chước nên cũng tăng nhanh trên thị trường, trước tiên ở ngay nước họ. Tiến trình này tất nhiên cũng làm cho xuất khẩu của Mĩ giảm nhanh hơn nữa. 

Đối với các công ty Mĩ, lợi nhuẫn rất hấp dẫn trong suốt thời gian từ pha 0 đến pha 2 đã qua rồi. Điều đó sẽ khiến họ sớm thu hẹp và từ bỏ sản xuất để tìm nhu cầu sản phẩm mới khác.

Chi phí sản xuất tăng: Thị phần của các nước phát triển khác tăng lên, đặc biệt là thị phần của các nước ĐPT. Nhìn chung, những lợi thế trong sản xuất và tiêu thụ của hàng loạt nước này thường bị hạn chế hơn so với Mĩ (về công nghệ, kĩ năng quản lí). 

Do đó giá thành sản phẩm cũng có xu hướng tăng rõ rệt. Theo đánh giá của V.H. Kirpalani, sự tham gia sản xuất của các nước ĐPT là nguyên nhân chính làm cho chi phí bình quân trên thế giới tăng lên.

Pha 4: Đổi mới ngược chiều (Reversal Innovation)

Mĩ không còn xuất khẩu nữa: Nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh của nhóm nước phát triển do cung tăng nhanh từ các hãng sản xuất của họ. Với tiềm lực hiện có về nhiều mặt, các hãng của nhóm nước phát triển có đủ sức cạnh tranh với công ty xuất khẩu Mĩ không chỉ ở thị trường nước mình mà còn ở các nước ĐPT, thậm chí ngay ở thị trường Mĩ.

Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm mới từ Mĩ của nhóm nước ĐPT gần như không còn nữa. Bởi lẽ lượng cung cấp của các hãng ở đây tăng mạnh đến mức không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu nước mình mà còn xuất khẩu theo 3 hướng: nội bộ nhóm nước ĐPT, các nước phát triển khác và cả Mĩ. 

Mặt khác, nhóm nước phát triển (trừ Mĩ) vẫn tiếp tục xu hướng xuất khẩu sản phẩm mới vào nhiều nước ĐPT. Như vậy cạnh tranh giữa các nước phát triển và ĐPT cũng diễn ra khốc liệt.

Chiến lược chủ động của các công ty Mĩ là cần từ bỏ sớm sản phẩm này và chuyển sang sản phẩm mới khác nhằm thu lợi nhuận cao nhất. Đó là từ tưởng chủ đạo của họ trong chiến lược kinh doanh quốc tế do có lợi thế về công nghệ, tài chính và quản lí.

Nhập khẩu của Mĩ theo hướng đổi mới ngược chiều: Nét bao trùm ở pha này là đổi mới ngược chiều, đồng thời cũng là biểu hiện của chiến lược chủ động nói trên. 

Mĩ nhập khẩu trở lại sản phẩm mới trước đây là điều tất yếu bởi vì, thứ nhất, hầu hết tầng lớp bình dân (chiếm phần lớn dân số Mĩ) do khả năng thanh toán có hạn nên vẫn có nhu cầu sản phẩm mới với mức tiêu thụ khá lớn, thứ 2, những công ty lớn của Mĩ đã chủ động chuyển sang kinh doanh sản phẩm mới khác nên lượng cung giảm mạnh. 

Khoảng trống này phải được giải quyết bằng con đường nhập khẩu. Đó là một phần của lí thuyết thương mại quốc tế trên cơ sở lợi thế so sánh trên thị trường toàn cầu.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Marketing quốc tế, NXB Lao động – Xã hội)

Đức Nhượng