|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tỷ giá đô la (Dollar Rate) là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ giá đô la

10:26 | 30/12/2019
Chia sẻ
Tỷ giá đô la (tiếng Anh: Dollar Rate) là thuật ngữ tổng quát chỉ tỷ giá hối đoái tiền tệ của tất cả các quốc gia khác khi so với đồng đô la Mỹ (USD).
Tỷ giá đô la (Dollar Rate) là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến Tỷ giá đô la  - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Qcostarica.com

Tỷ giá đô la

Khái niệm

Tỷ giá đô la trong tiếng Anh là Dollar Rate.

Tỷ giá đô la là thuật ngữ tổng quát chỉ tỷ giá hối đoái tiền tệ của tất cả các quốc gia khác khi so với đồng đô la Mỹ (USD).

Hầu hết các loại tiền tệ được giao dịch trên thị trường quốc tế đều được báo giá theo số lượng đơn vị tiền tệ đó trên mỗi đồng đô la Mỹ. Tuy nhiên, một số loại tiền tệ mạnh như đồng euro, bảng Anh và đô la Úc được sử dụng để báo giá cho đồng đô la Mỹ.   

Tỷ giá đô la là tỉ lệ chuyển đổi tiền tệ của một quốc gia sang đồng đô la Mỹ. Ví dụ: tỷ giá đô la Mỹ trên đô la Canada là 0,75 thì một đô la Mỹ sẽ đổi được 0,75 đô la Canada.     

Tầm quan trọng của tỷ giá đô la 

Tỷ giá đô la phản ánh giá trị tương đối của tiền tệ trên toàn thế giới. Rủi ro tỷ giá hay những thay đổi trong giá trị tương đối của một loại tiền tệ sẽ làm giảm giá trị của các khoản đầu tư vào ngoại tệ. 

Rủi ro tỷ giá là rủi ro lớn nhất đối với các trái chủ thực hiện thanh toán lãi và gốc bằng ngoại tệ, vì vậy tỷ giá đồng đô la ảnh hưởng đến tỉ suất lợi nhuận thực sự của nhà đầu tư. 

- Khi một đồng tiền tăng giá, quốc gia đó trở nên đắt đỏ hơn và mức cạnh tranh quốc tế thấp hơn. Công dân của quốc gia này có mức sống cao hơn do các sản phẩm nhập khẩu có giá rẻ hơn. 

- Khi đồng tiền mất giá, các sản phẩm của một quốc gia có mức cạnh tranh cao hơn và xuất khẩu tăng do giá giảm. Tuy nhiên, công dân quốc gia này sẽ mua các sản phẩm nhập khẩu với mức giá cao hơn. 

Khi tỷ giá đô la giảm, các sản phẩm của Mỹ trở nên rẻ hơn và các công ty Mỹ tăng xuất khẩu. Các công ty xuất khẩu thuê nhiều công nhân hơn, làm tăng việc làm. Do các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, nhập khẩu giảm xuống. Mỹ trở thành một điểm đến ít đắt đỏ hơn cho khách du lịch quốc tế ghé thăm dẫn đến doanh thu du lịch tăng. 

Tuy nhiên, chi phí đi du lịch nước ngoài của người Mỹ sẽ tăng lên, giá của nhiều sản phẩm nhập khẩu cũng sẽ tăng dẫn đến lạm phát cao hơn.   

Các yếu tố ảnh hưởng đến Tỷ giá đô la 

Cung và cầu một loại tiền tệ xác định giá của loại tiền tệ đó. Một số nhà đầu tư cá nhân, tổ chức hoặc chính phủ mua và bán đô la Mỹ cho các loại tiền tệ khác để gia tăng hay làm giảm giá trị của đồng đô la.

Ví dụ, các nhà nhập khẩu Mỹ đổi đồng đô la Mỹ lấy đồng yên Nhật để mua ô tô sản xuất tại Nhật Bản sau đó đem trở lại Mỹ bán, làm tăng nguồn cung đô la. 

Tương tự, một nhà nhập khẩu Nhật Bản đổi đồng yên sang đô la Mỹ để mua ô tô sản xuất tại Mỹ nhập khẩu về bán ở Nhật Bản sẽ tạo ra lượng cầu đô la tăng thêm.   

Các nhà đầu tư quốc tế cũng có thể gây ảnh hưởng đến tỷ giá đô la. Ví dụ, các nhà đầu tư Mỹ đổi đô la lấy đồng yên để mua cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản, tạo ra nguồn cung đô la. 

Tương tự như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản đổi yên sang Đô la khi đầu tư vào thị trường Mỹ, khiến lượng cầu đồng đô la tăng lên.   

Các chính phủ cũng gây ảnh hưởng đến tỷ giá đô la. Các quốc gia giữ dự trữ vàng và ngoại tệ để thanh toán các khoản nợ quốc tế, nhập khẩu hay các mục đích khác. 

Ví dụ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định tăng dự trữ đồng đô la sẽ bán Việt Nam đồng để đổi lấy đô la Mỹ khiến cho cầu đồng đô la trong thị trường tăng lên.    

(Theo Investopedia)

Lê Thảo

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.