Trần Anh Vương: 'Cá mập săn mồi thành công nhất' trong Shark Tank Việt Nam
Một tháng sau khi Shark Tank Việt Nam phát sóng, doanh nhân Trần Anh Vương, đã thuyết phục thành công 4 ứng cử viên, đứng đầu các "shark" về số lượng thương vụ đầu tư.
Hai CEO chưa tốt nghiệp đại học lập dự án Transform Studio
Hai chàng thanh niên còn chưa tốt nghiệp đại học, Đỗ Mười và Võ Trung, bước vào khán phòng với binh đoàn người nhện và siêu nhân, kêu gọi 3 tỷ cho 15% công ty Transform Studio.
Hoá trang hay cosplay là sân chơi mới du nhập vào Việt Nam và hiện có 70.000 thành viên tham gia từ Bắc vào Nam. Cứ một đến hai tháng lại có một lễ hội cosplay diễn ra, tổ chức với sự liên kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Transform là studio chuyên về kỹ xảo vật lý, hoá trang mang lại bộ hoá trang chất và có hồn nhất. Trong 3 tháng đầu tiên, doanh thu đạt 200 triệu đồng qua kênh bán hàng trực tuyến. Hai sinh viên tin rằng, nếu được đầu tư về vốn, Transform studio sẽ phát triển, hướng tới việc cung cấp sản phẩm cho nhà ma, công viên giải trí, công ty quảng cáo, đoàn phim, kỹ xảo vật lý cho phim điện ảnh.
Đội ngũ siêu nhân đến từ Transform Studio. |
Ông Phú và ông Hưng nhận xét nguồn doanh thu quá nhỏ và nguyên liệu đầu vào trôi nổi, không kiểm soát được chi phí nên quyết định không đầu tư.
Nữ doanh nhân Thái Vân Linh muốn đầu tư vào mô hình kinh doanh này và đưa lên mạng, phát triển ra thị trường nước ngoài. Còn ông Trần Anh Vương, người sở hữu cổ phần tại công viên Đầm Sen, muốn cùng đầu tư 3,1 tỷ đồng với bà Linh để lấy 51% cổ phần. Ông lý giải rằng, nếu tỷ lệ cổ phần là 50%, các bên sẽ không có lối thoát nếu tranh cãi xảy ra, đặc biệt khi hai CEO trẻ tuổi vẫn đang là sinh viên năm ba chưa tốt nghiệp đại học.
Lời đề nghị của Shark Vương đã chốt hạ thương vụ. Mười và Trung đã nhận được đề nghị đầu tư 3,1 tỷ cho 51% cổ phần của Transform Studio.
Mười cho biết, để dành thời gian cho Transform em đã bảo lưu công việc học trên lớp. Và sau khi chương trình phát sóng, bà Linh đã liên hệ với em. Tuy nhiên, quá trình đầu tư vốn vẫn chưa diễn ra nên hai CEO vẫn đang tiếp tục đáp ứng số lượng các đơn hàng tăng lên từ sau khi Transform được biết đến rộng rãi hơn sau chương trình.
Dấm gạo Thuỷ Tâm với truyền thống 30 năm của gia đình
Có lẽ hình ảnh đọng lại trong cả các shark và người xem chính là hình ảnh và câu chuyện người phụ nữ Việt cặm cụi bên những hũ dấm gạo. Truyền thống kinh doanh bắt đầu từ 30 năm trước khi đôi vợ chồng trẻ từ Viện Khoa Học Việt Nam bước ra kinh doanh từ thời kỳ bao cấp. 400 tiểu thương ở chợ khu vực Hà Nội và khu vực lân cận đã quá quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tự làm dấm và đi giao hàng không quản mưa nắng. Mỗi bát phở Lý Quốc Sư hay món chả cá Lã Vọng hay Trống Đồng đều có sự xuất hiện và góp mặt của thứ gia vị mang vị chua đặc biệt.
Tâm Phương, chàng thanh niên sinh năm 1988, cùng với chị gái với mong muốn tiếp quản sản phẩm truyền thống người mẹ nâng niu suốt bao năm đã quyết định thành lập công ty Vietferm với mong muốn thương mại hoá dấm gạo và đưa sản phẩm hiện diện trên khắp thị trường. Anh cùng với mẹ và chị gái kêu gọi 3 tỷ đồng cho 15% công ty.
Hai sản phẩm mà Vietferm mang đến là dấm gạo Thuỷ Tâm và hồ tiêu muối. Giới thiệu về hồ tiêu muối, bà Loan kể rằng bà đã rất ngạc nhiên khi được tặng một lọ hồ tiêu muối từ Tây Ban Nha. Bà nghĩ Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới nên có thể sản xuất hồ tiêu muối. Ý nghĩ đó thôi thúc bà chế biến sản phẩm ấy. Vị ngon của hồ tiêu muối nằm ở lớp vỏ tươi hoà lẫn cùng với chút vị cay, chút vị mặn và chua chua của giấm.
Còn giới thiệu về dấm trắng, bà Loan kể rằng dấm của Vietferm lên men từ gạo Tám nức nên rất thơm.
Dấm gạo truỳen thống 30 năm của gia đình. |
Doanh số một năm 2,5 tỷ đồng chủ yếu đến từ dấm gạo. Giá bán lẻ 50.000 đồng cho một hộp 150g, chi phí sản xuất một lọ là 20.000 đồng. Nhưng nếu sản xuất công nghiệp hàng loạt, chi phí sẽ giảm. Chi phí nhà xưởng trong năm đầu khoảng 1,2 - 1,5 tỷ đồng.
Hai shark, một bên là shark Phú “ông vua” bánh gạo Richy với network lớn trong ngành thực phẩm và một bên là shark Vương, sở hữu các nhà máy sản xuất hồ tiêu tại Đắc Nông đều tỏ ra hứng thú với sản phẩm này.
Trước lời khẳng định muốn đưa cho các nhà đầu tư tối đa 25% cổ phần, hai ông Phú và Vương đã đưa ra những lời thuyết phục thỏa đáng. Ông Phú cho rằng, ở các công ty lớn như FPT, người sáng lập chỉ nắm giữ rất ít cổ phần. Ông cho rằng tiền bạc đến một lúc nào đó sẽ trở thành vô nghĩa nên điều quan trọng là quảng bá và đưa sản phẩm dân tộc ra toàn thế giới. Ông đề nghị mua lại 35% cổ phần.
Ông Vương cũng muốn chia sẻ đầu tư cùng Shark Phú: “Anh thích con số 36% hơn là 35%. Khi mà kết thúc chương trình, là anh không thể bắt tay với em được nữa, em hiểu chứ? Em học khoa Hóa đúng không nhỉ? Anh đầu tư vì tin vào cái tâm của em”.
Anh Tâm Phương đồng ý với lời đề nghị 4 tỷ cho 36% công ty đến từ hai shark. Với tỷ lệ 36% nắm giữ, hai nhà đầu tư có quyền phủ quyết các nội dung mà HĐQT trình lên trong Đại hội cổ đông.
“Sau khi chương trình diễn ra, lượng đơn đặt hàng tăng mạnh và đại lý liên hệ muốn làm phân phối độc quyền. Công ty đã chuẩn bị hàng trước cho tình huống này. Hiệu ứng Shar Tank xảy ra, giờ giọng tôi khản đặc thì bạn hiểu như thế nào đúng không?”, anh Phương nói.
Nhãn hàng thời trang Emwear của cô gái xinh đẹp
Thuỳ Trang, cô gái xinh đẹp sáng lập nhãn hiệu thời trang Emwear, đã dành được những nụ cười và ánh mắt thiện cảm từ phía các nhà đầu tư ngay từ những phút đầu tiên.
Emwear là nhãn hiệu thời trang ở nhà dành cho phụ nữ Việt, tập trung vào khách hàng độ tuổi 20 -35 với mức thu nhập ít nhất 8 triệu đồng/tháng. Giá đơn hàng thông thường là 1,2 triệu đồng cho 2 sản phẩm. Doanh thu 3 tháng đầu tiên chỉ đạt 60 triệu đồng, nhưng doanh thu 3 tháng gần nhất đạt 840 triệu. 70% doanh thu đến từ khách hàng online, 30% còn lại đến từ cửa hàng ở Quận 1. Thị trường Việt Nam 500 triệu USD, Đưa ra thị trường gần giống ở Việt Nam, như Thái Lan.
Thuỳ Trang, CEO của thương hiệu thời trang Emwear. |
Ngoài bà Linh, 4 nhà đầu tư còn lại tỏ rõ quyết tâm giành Thuỳ Trang. Shark Phú quyết định mua lại, nhưng đặt ra “điều kiện đảm bảo”, nếu như hết sạch vốn, Thuỳ Trang sẽ phải làm việc cho anh Phú với mức lương tháng 5 triệu đồng.
Mặt khác, Lê Đăng Khoa - người sở hữu chuỗi cửa hàng hoa, làm nail, phục vụ đối tượng khách hàng mục tiêu là nữ giới - đề nghị 100 ngàn USD (2,3 tỷ đồng) cho 40% cổ phần. Anh không ràng buộc Thuỳ Trang, và hứa hẹn giúp cô thực hiện giấc mơ tỷ USD.
Ông Hưng và ông Phú kết hợp với nhau và đưa ra lời đề nghị 2 tỷ đồng cho 22,5% cổ phần. Theo ông Vương, thế mạnh của Thùy Trang là tiếp thị nên cô không cần Khoa, trong khi cô cần tới kinh nghiệm quản trị sản xuất của ông. Ông cũng cảnh báo rằng phát triển quá nhanh là điều nguy hiểm đối với Thùy Trang. Đề nghị của ông là 2 tỷ đồng cho 25% cổ phần của Emwear.
Sau màn thuyết phục của các nhà đầu tư, Thuỳ Trang đã quyết định lựa chọn ông Vương vì “đi theo cảm giác của bản thân".
Chàng thanh niên trẻ với dịch vụ vận chuyển Super Ship
Lê Thanh Hoài, nhà sáng lập Super Ship đề nghị 2 tỷ cho 10%. Đây là dịch vụ giao hàng thu tiền hộ cho các shop. Super Ship hiện có 70 nhân viên giao hàng, 30 nhân viên văn phòng, tốc độ tăng trưởng doanh thu tháng là 10-20%. Doanh thu tháng gần nhất 1 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận 6% tháng.
Sau màn trình bày chi tiết về tình hình tài sản, tài chính của công ty, ngoại trừ bà Linh, cả 4 shark còn lại đều đưa ra đề nghị đầu tư.
Lê Thanh Hoài, CEO của Super Ship, với màn trình bày rất chi tiết. |
Ông Hưng đề nghị 2 tỷ đồng cho 49% cổ phần, còn ông Vương muốn rót 2 tỷ đồng để lấy 40% công ty. Hai doanh nhân muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của Super Ship.
Lê Đăng Khoa đề nghị 2 tỷ cho 35%, cùng với lời cam kết sẽ cùng đồng hành với Super Ship, giúp Super Ship trở thành thương hiệu được nhận dạng nhanh nhất. “ 10.000 đơn hàng hằng năm vận chuyển Hoa 38 Độ sẽ nghiễm nhiên thuộc về Super Ship”. Shark Khoa nói thêm.
Ông Phú - người sở hữu công ty Logistic hàng hải, tàu, container, xe tải và hệ thống kho bãi và cần đến sự kết nối hệ thống với công ty vận tải - đề nghị 3 tỷ đồng cho 30%.
Anh chàng Thanh Hoài do dự vì chỉ muốn đưa cho nhà đầu tư tối đa 20% cổ phần công ty. Vì thế, ông Phú và Khoa đã cùng kết hợp với nhau đưa ra lời đề nghị 3 tỷ đồng cho 30% cổ phần để Thanh Hoài sẽ có sức mạnh của cả hai Shark.
Ông Vương chốt 2 tỷ đồng cho 20% cổ phần: “Anh mà đầu tư vào em thì tự nhiên anh Phú và anh Khoa tự nhiên là khách hàng chính của chúng ta”. Với lời đề nghị "không thể tốt hơn được nữa", thoả mãn nguyện vọng của CEO Super Ship, anh chàng đã chọn ông Vương.