Tổng số đầu đạn ngang nhau nhưng lực lượng hạt nhân của Nga có lợi thế gì so với Mỹ?
Ngày 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố đình chỉ thỏa thuận kiểm soát vũ khí chiến lược New START - hiệp ước hạt nhân cuối cùng giữa Mỹ và Nga.
Đồng thời, ông cũng tuyên bố mức độ trang bị của lực lượng răn đe hạt nhân Nga là 91,3%. Mỹ và Nga hiện là hai cường quốc hạt nhân lớn nhất, với số đầu đạn của mỗi nước sở hữu nhiều hơn mọi quốc gia khác trên thế giới cộng lại.
Tổng số đầu đạn hạt nhân của hai nước là gần bằng nhau, nhưng Nga đang có lợi thế vượt trội về vũ khí chiến thuật.
Vũ khí hạt nhân thường được chia làm hai loại: vũ khí chiến lược với tầm bắn xa, có thể vượt hàng chục nghìn km; và vũ khí chiến thuật với thông số thấp hơn nhiều.
Chẳng hạn, tên lửa RS-28 Sarmat - vũ khí hạt nhân chiến lược mới nhất của Nga có tầm bắn lên tới 18.000 km và mang theo đầu đạn với tổng khối lượng khoảng 10 tấn - đủ để xóa sổ một quốc gia nhỏ.
Trong khi đó, tên lửa 9K720 Iskander - tên lửa hạt nhân chiến thuật tầm ngắm của Nga lại chỉ có tầm bắn khoảng 400 km và đầu đạn nặng tối đa 700 kg - chỉ đủ khả năng phá hủy một thành phố nhỏ hoặc thị trấn.
Lợi thế của Nga
Cả Nga và Mỹ có số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược tương tự nhau, bị giới hạn theo điều khoản của hiệp ước New START - mới bị Moscow đình chỉ gần đây.
Hiệp ước này yêu cầu hai bên tiết lộ số lượng vũ khí chiến lược được triển khai trên ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa), SLBM (tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm) và vũ khí phóng từ máy bay ném bom.
Tuy nhiên, hiệp ước này không yêu cầu công bố số lượng vũ khí chiến thuật. Theo Quỹ Di sản (Heritage Foundation), số lượng đầu đạn chiến thuật của Nga có thể nhiều gấp 10 lần Mỹ. Washington đang có 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật, một nửa đặt tại Mỹ, số còn lại ở châu Âu.
Trong khi đó, cộng đồng tình báo Mỹ dự đoán rằng Nga có từ 1.000 đến 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) ước tính rằng Moscow đang sở hữu 1.912 vũ khí chiến thuật, nhưng cho biết những vũ khí này có thể không được triển khai hoặc loại khỏi biên chế.
Vũ khí chiến thuật mạnh như thế nào?
Sức mạnh của vũ khí hạt nhân được đo bằng đương lượng nổ, thường tính bằng đơn vị năng lượng của thuốc nổ TNT. Bộ Năng lượng Mỹ ước tính quả bom được Washington thả xuống Hiroshima và Nagasaki có sức công phá tương đương với 15.000 đến 21.000 tấn TNT (hay kilo tấn, KT).
Vũ khí hạt nhân chiến lược hiện đại có sức công phá lớn hơn rất nhiều. Đa số các đầu đạn có sức công phá từ 500.000, 800.000 cho tới 1 triệu tấn TNT.
Vũ khí hạt nhân mạnh nhất lịch sử, Bom Sa Hoàng của Nga, có sức công phá tương đương 50 triệu tấn TNT (50 MT), có bán kính cầu lửa lên tới gần 5 km, và phá hủy công trình trong phạm vi 21 km kể từ tâm vụ nổ.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có sức mạnh từ 10 đến 100 KT, tức là lớn hơn hai quả bom thả xuống Nagasaki và Hiroshima. Nga và Mỹ cũng có những loại vũ khí hạt nhân nhỏ hơn, dưới 1 KT, chẳng hạn như Súng cối Davy Crockett.
Mặc dù có sức phá hủy khiêm tốn hơn so với vũ khí chiến lược, đầu đạn chiến thuật vẫn hoàn toàn đủ sức để thổi bay một thành phố.
Nga sở hữu những vũ khí hạt nhân chiến lược nào?
Nga đang nắm trong tay nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật, có thể phóng từ mặt đất, trên không cũng như từ biển. Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ ước tính rằng Nga có khoảng 500 vũ khí hạt nhân chiến lược của không quân, bao gồm bom trọng lực và tên lửa hành trình không đối đất.
Những loại vũ khí trên có thể được phóng từ những dòng máy bay đang tác chiến tại Ukraine, chẳng hạn như máy bay ném bom Tu-22 hoặc Su-34. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga sẽ không sử dụng không quân để phóng tên lửa hạt nhân chiến thuật.
Ứng cử viên khả dĩ hơn nhiều là hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất 9K720 Iskander. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Nga chỉ sở hữu khoảng 100 hệ thống vũ khí này. Nhưng vì độ tin cậy cao, Moscow nhiều khả năng sẽ sử dụng chúng trong một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật.
Với tốc độ hơn Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh), đường bay có thể thay đổi, cũng như công nghệ bẫy radar, Iskander sẽ có khả năng cao vượt qua hệ thống phòng không của đối phương, đưa đầu đạn trúng mục tiêu.
Liệu có thể cảnh báo sớm hay không?
Hollywood đã khắc sâu vào trí tưởng tượng của chúng ta hình ảnh các nhà lãnh đạo thế giới giơ ngón tay trên nút phóng tên lửa hạt nhân, chỉ cần một sai lầm có thể hủy diệt toàn bộ thế giới.
Các vũ khí chiến lược có thể được phóng trong vài phút sau khi có lệnh. Tuy nhiên, vũ khí chiến thuật lại được cất giữ trong một số cơ sở, và cần được tháo dỡ, vận chuyển tới bệ phóng.
Theo các chuyên gia, quá trình này sẽ mất tới vài ngày, và có thể bị cơ quan tình báo Mỹ, châu Âu phát hiện ra.