'Cho phép trừ chi phí đổi mới sáng tạo vào tính thuế, doanh nghiệp có thể tăng đầu tư gấp 10, 20 lần'
Ngày 21/2, Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, đểđạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH, CN, ĐMST) và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, các địa phương cần đưa mục tiêu TFP (yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp) đóng góp vào tăng trưởng GRDP của các địa phương từ 50 - 55, từ đó có kế hoạch cụ thể về kinh phí đầu tư đổi mới khoa học và công nghệ, đưa các cơ chế, chính sách mới đã được Quốc hội thông qua để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH, CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Được biết, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra ngày 19/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động KH, CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, trong có nội dung, cho phép tính các chi tiêu nghiên cứu phát triển đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp được từ vào chi phí tính thuế thay vì trước đây chỉ cho doanh nghiệp trích quỹ tối đa 10% lợi nhuận sau thuế và con số này nhỏ hơn nhiều tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng, với cơ chế mới này, doanh nghiệp có thể đầu tư nghiên cứu phát triển 10, thậm chí đến 20 lần, đặc biệt giai đoạn này, hỗ trợ tốt khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng công nghệ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có báo cáo chi tiết về đóng góp của đổi mới công nghệ và đổi mới quản trị, nâng cao hiệu suất cho các ngành vào tăng trưởng kinh tế. Bộ mong muốn các Bộ, ngành sử dụng những kết quả nghiên cứu này để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dựa trên đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất, chất lượng.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. (Ảnh: VGP).
Đặc biệt, Nghị quyết Quốc hội thông qua đã cho phép toàn bộ các kết quả nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học thuộc sở hữu, được phép thương mại hóa ngay kết quả nghiên cứu mà không cần lập kế hoạch xin cấp trên. Điều này giúp rút ngắn thời gian đưa công nghệ vào ứng dụng thực tế.
"Với tháo gỡ này, ngay tuần tới Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chỉ đạo lãnh đạo đơn vị họp ngay các đơn vị đã có kết quả nghiên cứu, sẵn sàng ký hợp đồng triển khai doanh nghiệp đưa vào sản xuất kinh doanh ngay thời gian tới", Thứ trưởng Bùi Thế Duy thông tin.
Đồng thời Thứ trưởng cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khuyến khích các địa phương quan tâm đến chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII). Đây là công cụ đánh giá hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạp trong phát triển kinh tế tại các địa phương.
Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến sẽ trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo trong tháng 5, cũng như xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, tạo đà phát triển bền vững trong năm 2026 và các năm tiếp theo.
Trước đó, giải trình tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện nay, chi cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam là 0,5% GDP, bằng 1/4 so với mục tiêu 2%. Trong 2% GDP này, chi của doanh nghiệp chiếm 70 - 80%, nhưng hiện nay doanh nghiệp mới chi khoảng 20.000 tỷ đồng/năm, đạt được 1/6 so với mục tiêu.
Do đó, Nghị quyết thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học và công nghệ ngoài Quỹ khoa học và công nghệ được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thể chi cho khoa học và công nghệ nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của Quỹ.