Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo
Tại Quyết định 177 ngày 14/2/2024 về việc thành lập Hội đồng Quốc gia về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Hội đồng), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng.
Giúp việc cho Thủ tướng có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang là Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là Phó Chủ tịch Hội đồng.
Các Ủy viên Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, 1 lãnh đạo Bộ Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ; 1 lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và nhiều đơn vị khác....
Hội đồng quốc gia về Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Hội đồng giúp Thủ tướng chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trong quá trình thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và hội nhập quốc tế; thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng giao.
Trước đó, vào năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030. Chiến lược này đặt mục tiêu Việt Nam lọt top 40 quốc gia đổi mới sáng tạo.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò quan trọng phát triển công nghiệp mũi nhọn, trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo, đưa Việt Nam trở thành nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%.
Theo Chiến lược này, doanh nghiệp được xác định là trung tâm, viện trường là chủ thể nghiên cứu mạnh; Nhà nước điều phối, kiến tạo môi trường thể chế. Khoa học công nghệ sẽ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trên 50%.