|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Loạt dữ liệu kinh tế đáng báo động thổi bay gần 750 điểm của Dow Jones

08:04 | 22/02/2025
Chia sẻ
Các dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang chậm lại và lạm phát khó hạ nhiệt khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu và tìm đến những tài sản an toàn như trái phiếu.

Theo CNBC, chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo vào ngày 21/2 sau khi một loạt dữ liệu mới làm dấy lên lo ngại về việc nền kinh tế đang chậm lại và lạm phát vẫn cứng đầu. Đến cuối phiên, đà giảm tăng tốc vì các nhà giao dịch lo ngại những biến động vào cuối tuần do các chính sách mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

 

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 749 điểm, tương đương 1,69% và đóng cửa ở mức 43.428 điểm. Sau hai phiên bán tháo liên tiếp, chỉ số này đã giảm tới 1.200 điểm. S&P 500 mất 1,71%, chốt phiên với 6.013 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,2%, kết thúc với 19.524 điểm. Trong tuần qua, S&P 500 giảm khoảng 1,7%, trong khi Dow Jones và Nasdaq Composite đều mất 2,5%.

Dow Jones trải qua phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu 2025.

Một loạt dữ liệu mới đã làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế, thúc đẩy các nhà đầu tư đổ xô mua vào trái phiếu, kéo theo lợi suất giảm mạnh. Chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan đã tụt xuống 64,7 vào tháng 2, thấp hơn gần 10% so với tháng liền trước vì người tiêu dùng lo ngại lạm phát cao hơn do chính sách thuế quan. Triển vọng lạm phát 5 năm trong cuộc khảo sát này cũng vọt lên 3,5% - mức cao nhất kể từ năm 1995. 

Ngoài ra, doanh số bán nhà cũ tại Mỹ đã giảm nhiều hơn dự kiến vào tháng trước, xuống còn 4,08 triệu căn. Dữ liệu của S&P Global cũng cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Mỹ đã tụt xuống dưới 50 vào tháng 2. 

Cổ phiếu Nvidia đã giảm đáng kể trong phiên 21/2. 

Cổ phiếu Walmart đã tụt 2,5%, đánh dấu phiên giảm thứ hai sau khi công ty bán lẻ đưa ra dự báo yếu hơn dự kiến. Những cổ phiếu được nhà đầu tư bán lẻ ưa chuộng như Nvidia hay Palantir cũng giảm lần lượt 4,1% và 4,6% khi thị trường tìm đến những tài sản an toàn hơn. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Procter & Gamble tăng 1,8%, trong khi General Mills và Kraft Heinz đều tăng hơn 3%.

“20 công ty có thành tích tốt nhất trong S&P 500 hiện nay đều đến từ các lĩnh vực phòng thủ: hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện ích và chăm sóc sức khỏe”, ông Larry Tentarelli, chiến lược gia kỹ thuật trưởng và là người sáng lập Blue Chip Daily Trend Report, cho biết. “Nhà đầu tư thường chuyển sang các lĩnh vực phòng thủ khi xuất hiện lo ngại về tăng trưởng kinh tế”.

Chỉ có nhóm tiêu dùng thiếu yếu trong S&P 500 ghi nhận kết quả tích cực.

Tại một hội nghị ở Miami, bang Florida, nhà đầu tư nổi tiếng Steve Cohen đã chia sẻ một nhận định tiêu cực về thị trường: “Đây là giai đoạn mà tôi cho rằng thị trường đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhất và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu có một đợt điều chỉnh đáng kể”. Ông Cohen cho rằng nguyên nhân khiến thị trường tiêu cực đến từ chính sách thuế quan và nỗ lực cắt giảm chi phí của chính phủ Mỹ.

Minh Quang

Giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong tuần tới?
Biến động trên thị trường vàng gia tăng khi giá tiếp tục lập kỷ lục mới trong tuần này. Mặc dù rủi ro đang gia tăng, nhưng xu hướng tăng giá vẫn rất mạnh, khi các nhà phân tích tiếp tục theo dõi mốc 3.000 USD/ounce vào tuần tới, theo Kitco News.