|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bà chủ công ty địa ốc kêu oan cáo buộc lừa 21 tỷ đồng

10:58 | 22/02/2025
Chia sẻ
Bị cáo buộc cùng người tình chiếm đoạt hơn 21 tỷ đồng của ngân hàng khi là chủ tịch công ty bất động sản, song bà Trần Thị Kim Thoa, Việt kiều Mỹ, luôn kêu oan.

Ngày 21/2, bà Thoa, 54 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH địa ốc Á Châu (Công ty Á Châu) bị TAND TP HCM xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau gần 8 năm bị bắt.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã nhiều lần tạm đình vụ án chỉ để thu thập tài liệu chứng cứ, chờ kết quả giám định...

Là người có vai trò chủ mưu, bị can Hoàng Tiến Dzũng đang trốn truy nã nên Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án, tạm đình chỉ điều tra khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Liên quan đến vụ án, Phạm Văn Chính, nguyên giám đốc Công ty Á Châu và các cựu cán bộ Agribank đã bị xét xử từ năm 2020.

Bị cáo Trần Thị Kim Thoa tại tòa hôm nay. (Ảnh: Hải Duyên).

Ông trùm bỏ trốn đã làm những gì?

Cáo trạng xác định, Công ty Á Châu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2006, chuyên kinh doanh bất động sản, vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Bà Thoa là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV); Phạm Văn Chính làm Giám đốc, đại diện theo pháp luật nhưng thực tế Hoàng Tiến Dzũng điều hành mọi hoạt động của công ty. Ngoài ra, Dzũng còn thuê nhiều người quen đứng tên làm giám đốc hàng loạt công ty (trong đó có anh ruột của Thoa).

Cuối năm 2009, các công ty trên hoạt động thua lỗ, đến hạn trả nợ cho Agribank - Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, Dzũng đã thống nhất với Phạm Thị Mai Toan (Giám đốc Chi nhánh Mạc Thị Bưởi) về việc sử dụng Công ty Á Châu lập dự án để vay 90 tỷ đồng của ngân hàng, nhằm mục đích trả nợ.

Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu tại phường Phú Hữu, quận 9 (nay là TP Thủ Đức) nhưng Dzũng đã chỉ đạo các thành viên công ty lập, ký khống các chứng từ tài liệu trong bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng gồm: biên bản họp HĐTV của công ty; giấy đề nghị vay 90 tỷ đồng, thời hạn 5 năm; tài sản đảm bảo là giá trị quyền sử dụng 24.500 m² đất của dự án và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai. Ngân hàng đã lập biên bản tạm xác định giá trị là 196 tỷ đồng.

Cuối tháng 11/2009, ngân hàng nhiều lần giải ngân cho Công ty Á Châu. Chính đại diện công ty ký nhận để trả nợ cho các công ty khác. Tuy nhiên, vào các năm 2010, 2011, 2012, Công ty Á Châu mới bàn giao cho ngân hàng 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 10.349 m², giá trị được nâng khống là hơn 97,5 tỷ đồng.

Do Công ty Á Châu không triển khai dự án, năm 2013 Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã thông báo chấm dứt, không chấp thuận cho doanh nghiệp làm dự án.

Đến năm 2014 Công ty Á Châu đã trả nợ gốc được 23 tỷ đồng. Sau khi xử lý tài sản thế chấp là 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên, công ty còn nợ gốc 21,3 tỷ đồng.

Thoa, Dzũng và một số người đã xuất cảnh sau đó. Năm 2017, Thoa về nước thì bị bắt.

Nữ Việt kiều là 'đồng phạm' của người tình

Theo cáo trạng, ban đầu làm việc với cơ quan điều tra, Thoa khai có quan hệ tình cảm và có 2 con chung với Dzũng; biết người tình là chủ một số công ty, trong đó có Công ty Á Châu. Phạm Văn Chính (em họ Thoa) và Trần Đức Hạnh (anh ruột Thoa) làm việc tại đây.

Thoa nói không tham gia thành lập, chỉ đạo điều hành hoạt động cũng như bàn bạc, thống nhất với Dzũng về việc vay vốn ngân hàng. Bị cáo cũng không chỉ đạo Chính, Hạnh ký biên bản họp HĐTV về việc vay 90 tỷ đồng của ngân hàng để trả nợ cho các công ty khác.

Thoa cho biết, năm 2007 có nhờ Dzũng thành lập Công ty Thiên Kim để kinh doanh lĩnh vực may mặc thời trang. Dzũng sau đó nói nhân viên kế toán của Dzũng (đang bỏ trốn) giúp Thoa làm hồ sơ, sổ sách của Công ty Thiên Kim. Bà này cho rằng "có thể" đã ký những tài liệu của Công ty Á Châu cùng hồ sơ, chứng từ của Công ty Thiên Kim do không để ý và tin tưởng nhân viên kế toán.

Thoa sau đó thay đổi lời khai xác định không biết vai trò của Chính, Hạnh tại Công ty Á Châu; không ký bất kỳ tài liệu gì của công ty.

Tuy nhiên, cơ quan công tố căn cứ vào kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt và nhiều kết luận giám định khác, cho rằng có cơ sở kết luận Thoa là người đứng tên thành lập và là chủ tịch công ty. Bà này trực tiếp ký biên bản họp HĐTV (15/10/2009) thống nhất Công ty Á Châu sử dụng Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu giao cho Chính ký kết các tài liệu, chứng từ "khống" để vay vốn, phù hợp với lời khai ban đầu của Chính và Hạnh.

Do vậy, VKS xác định lời khai sau của Thoa là "không có căn cứ". Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội với vai trò đồng phạm.

'Nếu phạm tội đã không quay về Việt Nam'

Tại tòa, bà Thoa tiếp tục cho rằng không ký vào biên bản họp HĐTV về việc vay vốn như cáo buộc. "Tuy có quan hệ tình cảm và biết Dzũng có nhiều công ty nhưng không phải việc gì ông ấy làm bị cáo cũng biết", bà này nói, thêm rằng không đứng tên Công ty Á Châu và ký vào giấy tờ gì của công ty này.

"Nếu bị cáo phạm tội thì không lý gì bị cáo về nước để bị bắt", bà Thoa trình bày và cho biết mình bị oan, "nhiều lần đã muốn tự tử trong trại giam".

Đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng, xác định các biên bản họp HĐTV của Công ty Á Châu thống nhất việc vay vốn tại ngân hàng đều do Thoa ký nên bị cáo phải chịu trách nhiệm. VKS đánh giá bị cáo có thái độ "quanh co", đề nghị HĐXX tuyên phạt 8-10 năm tù.

Bào chữa cho bà Thoa, luật sư Phạm Công Hùng cho rằng không đủ căn cứ buộc tội thân chủ. Biên bản họp HĐTV được xem là chứng cứ gốc nhưng cả chục kết luận giám định về chữ ký của bị cáo trên biên bản này lại có kết quả trái ngược nhau. Cáo trạng căn cứ vào kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt xác định chữ ký trong biên bản HĐTV là của bị cáo, nhưng kết luận giám định này lại ban hành không đúng quy định của pháp luật, không đúng thẩm quyền.

Luật sư phân tích thêm, ngoài vụ án này, bị cáo Thoa đã khởi kiện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM bằng một vụ kiện hành chính, yêu cầu hủy toàn bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh của Công ty Á Châu vì bà này không đăng ký kinh doanh. Quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện, tòa đã thu thập các tài liệu tại Sở Kế hoạch và Đầu tư và trưng cầu giám định kết luận "chữ ký trong hồ sơ không phải của Thoa".

Ngoài ra, luật sư cũng cho rằng, quá trình điều tra các cơ quan tố tụng không cho bị cáo và những người liên quan đối chất. Lời khai của các bị cáo lãnh đạo chi nhánh ngân hàng (thể hiện trong bản án đã có hiệu lực) đều khẳng định "không biết Thoa là ai".

Tranh luận lại, đại diện VKS khẳng định, việc kết luận hành vi của bị cáo không chỉ căn cứ vào kết luận giám định trong trường hợp đặc biệt mà còn căn cứ vào các chứng cứ khác như lời khai của giám đốc Chính và anh trai bị cáo Thoa. Cụ thể, những người này khai Thoa là người thuê họ làm việc cho Công ty Á Châu; Thoa sở hữu 80% vốn góp và giữ chức Chủ tịch công ty, nắm quyền hạn cao nhất và phải chịu trách nhiệm với tư cách người đứng đầu.

Kết luận giám định lại trong trường hợp đặc biệt là kết luận cuối cùng, được ban hành đúng quy định của pháp luật và các mẫu chữ ký giám định đều lấy từ hồ sơ gốc tại ngân hàng.

Từ đó, VKS đề nghị tòa xem xét một cách toàn diện các chứng cứ, ra phán quyết đúng sự thật khách quan.

Được nói lời sau cùng, bà Thoa phân trần: "VKS nói bị cáo quanh co là tội nghiệp cho bị cáo. Bị cáo không có làm, có biết đất đai gì đâu mà giao cho Chính đi thế chấp. Đâu phải việc gì của Dzũng bị cáo cũng biết".

Giọng nghẹn, bà này nói: "8 năm qua, con đường bị cáo đi qua trải dài máu và nước mắt. Bị cáo bị truy tố mà không biết lý do vì sao. 8 năm qua con bị cáo vừa học vừa đi khắp nơi kêu gọi giúp đỡ cho mẹ. Bị cáo chỉ muốn khép lại vụ án tại đây để được về nhà".

Sau khi hội ý, HĐXX cho biết vụ án có tính chất phức tạp nên sẽ nghị án kéo dài, đưa ra phán quyết vào ngày 24/2.

Hải Duyên

Không để xảy ra việc 'xin cho' khi lựa chọn Danh mục dự án nhà ở thương mại thí điểm thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất
Phó Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn Danh mục khu đất dự kiến thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đảm bảo công khai minh bạch, không xảy ra tình trạng xin cho và dựa trên các nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên cụ thể.