Tổ chức 6 Sigma (Six Sigma Organization) là gì? Đặc trưng
Hình minh hoạ (Nguồn: 6sigma)
Tổ chức 6 Sigma
Khái niệm
Tổ chức 6 Sigma trong tiếng Anh được gọi là Six Sigma Organization.
Theo McGraw-Hill trong cuốn sách "Con đường 6 Sigma (the Six Sigma Way)" xuất bản năm 2000 thì tổ chức 6 Sigma là "một tổ chức làm việc tích cực thiết lập các chủ đề và các phương pháp thực hành của 6 Sigma đưa vào các hoạt động quản lí hàng ngày, cho thấy các cải tiến có ý nghĩa trong hiệu quả quá trình và sự thỏa mãn của khách hàng".
Đặc trưng của tổ chức 6 Sigma
Các đặc trưng quan trọng của tổ chức 6 Sigma như sau:
- Thứ nhất: Thực sự tập trung vào khách hàng
Trong 6 Sigma, việc định hướng vào khách hàng được coi là ưu tiên hàng đầu. Chẳng hạn như, việc đo lường hiệu quả 6 Sigma được bắt đầu với khách hàng.
Các cải tiến 6 Sigma được xác định từ những tác động của các yếu tố tới giá trị và sự thỏa mãn của khách hàng, từ đó xem xét tại sao và bằng cách nào có thể xác định yêu cầu khách hàng, đo lường hiệu quả tác động tới các yêu cầu, luôn giữ ở vị trí hàng đầu trong việc phát triển sản phẩm mới và đáp ứng các yêu cầu của khách hàng.
- Thứ hai: Dữ liệu và quản lí dựa trên thực tế
6 Sigma đưa khái niệm "quản lí dựa trên dữ liệu thực tế" thành một mức độ cao hơn. Mặc dù, trong những năm gầy đây đã có sự chú ý nhiều tới việc đo lường, cải tiến hệ thống thông tin, quản lí tri thức... nhưng trên thực tế thì rất nhiều các quyết định kinh doanh vẫn được dựa trên quan điểm và giả thuyết.
Nguyên tắc của 6 Sigma bắt đầu bằng việc nhận biết rõ đo lường cái gì là quan trọng để đánh giá được hiệu quả kinh doanh, sau đó tập hợp dữ liệu và phân tích, tìm ra được những biến số quan trọng tác động vào các mục tiêu ưu tiên.
- Thứ ba: Tập trung vào quá trình, quản lí và tiến hành cải tiến
Trong 6 Sigma, "quá trình" là nơi các hoạt động xảy ra. Dù mục tiêu là thiết kế sản phẩm, sản xuất và dịch vụ, đo lường hiệu suất, cải tiến hiệu quả và sự thỏa mãn khách hàng hoặc thậm chí là điều hành doanh nghiệp thì 6 Sigma đều coi quá trình là phương tiện quan trọng nhất đạt tới sự thành công.
- Thứ tư: Quản lí một cách chủ động
Quản lí chủ động có nghĩa là tạo ra thói quen không lơ là việc thực hành các bước:
Xác định mục tiêu mong muốn và xem xét định kì các mục tiêu này;
Thiết lập các vấn đề ưu tiên một cách rõ ràng;
Tập trung vào phòng ngừa vấn đề thay vì hành động chữa cháy;
Định hướng tập trung vào các mục tiêu có tính trọng yếu, hướng vào việc tìm và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ các vấn đề gây nên các lãng phí, sai hỏng, không đáp ứng yêu cầu khách hàng.
- Thứ năm: Cộng tác không biên giới
6 Sigma đã đẩy mạnh các cơ hội hợp tác khi các nhân viên hiểu được vai trò của mình trong một bức tranh tổng thể và có thể nhận biết sự phụ thuộc lẫn nhau trong chuỗi các hoạt động của quá trình để tiến tới mục tiêu chung.
(Tài liệu tham khảo: Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ khoa học và công nghệ)