Tính không thể dự trữ (Perishability) là gì?
Hình minh họa
Tính không thể dự trữ (Perishability)
Định nghĩa
Tính không thể dự trữ trong tiếng Anh là Perishability.
Tính không thể dự trữ của dịch vụ hàm ý rằng dịch vụ không thể sản xuất hàng loạt để cất vào kho dự trữ, khi có nhu cầu thị trường thì đem ra bán.
Nội dung của tính không thể dự trữ
- Dịch vụ chỉ tồn tại vào thời gian mà nó được cung cấp. Do vậy, dịch vụ không thể dự trữ trong các kho hàng, đồng thời không thể hoàn trả, thu hồi hay bán lại.
- Ví dụ như, một máy bay cất cánh đúng giờ với một nửa số ghế bỏ trống sẽ chịu lỗ chứ không thể để các chỗ trống đó lại bán vào các giờ khác khi có đông hành khách có nhu cầu bay tuyến đường bay đó.
- Hay như một tổng đài điện thoại vẫn phải hoạt động khi không có cuộc gọi nào vào các giờ nhàn rỗi, nhưng công ty vẫn phải tính khấu hao, tính chi phí điện và nhân công trực để vận hành tổng đài.
- Một số các quầy giao dịch bưu điện vẫn phải mở cửa đến 9 - 10 giờ đêm mặc dù không có khách, trong khi đó lại bận túi bụi vào các giờ cao điểm. Nếu tăng công suất máy móc (ví dụ dung lượng tổng đài) để đáp ứng vào giờ cao điểm thì lại lãng phí vào các giờ vắng khách.
- Tính không thể dự trữ ảnh hưởng đến các chính sách của Marketing dịch vụ như chính sách giá cước thay đổi theo thời gian, mùa vụ, chính sách dự báo nhu cầu, kế hoạch bố trí nhân lực...
Marketing dịch vụ như thế nào?
- Thường xuyên theo dõi mức độ hài lòng của khách hàng
- Cơ giới hoá, tự động hoá quá trình cung cấp dịch vụ
- Chú trọng công tác quản lí chất lượng
- Áp dụng cơ chế sử dụng lao động linh hoạt
- Áp dụng chính sách giá phân biệt theo thời gian
- Dự báo nhu cầu chính xác
- Cung cấp các phương tiện tự phục vụ
- Áp dụng hệ thống đăng kí chỗ trước
(Tài liệu tham khảo: Quản trị kinh doanh dịch vụ từ góc nhìn marketing, NXB Thông tin và truyền thông; Giáo trình Marketing căn bản, NXB Thông tin và truyền thông)