|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR) là gì? Đặc điểm và hạn chế

12:18 | 12/06/2020
Chia sẻ
Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (tiếng Anh: Liquidity Coverage Ratio - LCR) là tỉ lệ nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao bởi các tổ chức tài chính, để đảm bảo khả năng liên tục đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ.
Chỉ số khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR) là gì? Đặc điểm và hạn chế - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Slideshare)

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản

Khái niệm

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản trong tiếng Anh là Liquidity Coverage Ratio, viết tắt là LCR.

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là tỉ lệ nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao bởi các tổ chức tài chính, để đảm bảo khả năng liên tục đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của họ.

Chỉ số này về cơ bản là một bài kiểm tra nhằm dự đoán các cú sốc trên toàn thị trường và đảm bảo rằng các tổ chức tài chính có sự bảo toàn vốn phù hợp, để tránh sự gián đoạn thanh khoản ngắn hạn nào ảnh hưởng đến thị trường.

Chỉ số khả năng thanh khoản (Liquidity Coverage Ratio - LCR) là gì? Đặc điểm và hạn chế - Ảnh 2.

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản được tính bằng cách chia tài sản có tính thanh khoản cao của ngân hàng cho tổng dòng tiền ròng, trong khoảng thời gian 30 ngày.

Các tài sản có tính thanh khoản cao chỉ bao gồm những tài sản được chuyển đổi dễ dàng và nhanh chóng thành tiền mặt.

Đặc điểm của Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản bắt đầu từ Hiệp định Basel, là một loạt các qui định được đưa ra bởi Ủy ban giám sát ngân hàng Basel (BCBS). BCBS là một nhóm gồm 27 đại diện từ các trung tâm tài chính lớn trên toàn cầu.

Một trong những mục tiêu của BCBS là bắt buộc các ngân hàng nắm giữ một mức độ cụ thể tài sản có tính thanh khoản cao và duy trì mức độ khả năng thanh toán nhất định để không khuyến khích họ cho vay mức nợ ngắn hạn cao.

Do đó, các ngân hàng được yêu cầu nắm giữ một lượng tài sản có tính thanh khoản cao đủ để tài trợ cho dòng tiền ra trong 30 ngày. 30 ngày bởi vì thường trong một cuộc khủng hoảng tài chính, phản ứng giải cứu hệ thống tài chính từ chính phủ và ngân hàng trung ương thường sẽ xảy ra trong vòng 30 ngày.

Thực hiện Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản đã được triển khai và đo lường vào năm 2011, nhưng mức tối thiểu 100% không được thực thi cho đến năm 2015.

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản áp dụng cho tất cả các tổ chức ngân hàng có tổng tài sản hợp nhất hơn 250 tỉ USD hoặc hơn 10 tỉ USD trên bảng cân đối kế toán cho vay nước ngoài.

Các ngân hàng như vậy, thường được gọi là "Các tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống", được yêu cầu duy trì tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản 100%, có nghĩa là nắm giữ một lượng tài sản có tính thanh khoản cao bằng hoặc lớn hơn dòng tiền ròng của nó, trong vòng 30 ngày.

Tài sản có tính thanh khoản cao có thể bao gồm tiền mặt, trái phiếu kho bạc hoặc nợ doanh nghiệp.

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản so với các Chỉ số thanh khoản khác

Chỉ số thanh khoản (Liquidity ratio) là một nhóm các số liệu tài chính được sử dụng để xác định khả năng thanh toán các nghĩa vụ nợ hiện tại của công ty mà không cần huy động vốn bên ngoài.

Chỉ số thanh khoản đo lường khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ và biên độ an toàn của công ty thông qua việc tính toán các số liệu bao gồm tỉ lệ thanh toán ngắn hạn (Current ratio), tỉ lệ thanh toán nhanh (Quick ratio) và tỉ lệ dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Operating cash flow ratio).

Các khoản nợ phải trả hiện tại được phân tích trong mối quan hệ khả năng mà tài sản thanh khoản dùng để chi trả các khoản nợ ngắn hạn trong trường hợp khẩn cấp.

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là yêu cầu mà các ngân hàng phải nắm giữ một lượng tài sản có tính thanh khoản cao đủ để tài trợ cho dòng tiền mặt trong 30 ngày.

Chỉ số thanh khoản tương tự như Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản ở chỗ chúng đo lường khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của công ty.

Hạn chế của Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản

Hạn chế của tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản là nó yêu cầu các ngân hàng giữ nhiều tiền mặt hơn và dẫn đến ít khoản vay cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Một số ý kiến phản bác rằng nếu các ngân hàng cho vay ít, điều này có thể dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm hơn, vì các công ty cần nguồn vốn cho hoạt động của họ và cho việc mở rộng sẽ không có quyền tiếp cận được nguồn vốn tài trợ.

Mặt khác, hạn chế là chúng ta sẽ không biết cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo xảy ra, bất kể tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản vẫn được đảm bảo cho các ngân hàng hoặc bất kể không đủ tiền mặt để rút trong 30 ngày.

Ví dụ về Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản

Ví dụ, giả sử ngân hàng ABC được giả định rằng có tài sản có tính thanh khoản cao trị giá 55 triệu USD và 35 triệu USD trong dòng tiền ròng dự kiến, trong khoảng thời gian 30 ngày:

                                               LCR = 55 triệu USD / 35 triệu USD = 1.57

Tỉ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản của ngân hàng ABC là 1.57, tương đương 157%, đáp ứng yêu cầu theo qui định của Basel III.

(Theo Investopedia)

Minh Hằng