Thủ tướng đối thoại với DN 2020: Hiến kế thay vì kể khổ, sẽ ra quyết định hỗ trợ ngay trong Hội nghị
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sáng 7/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020 sẽ diển ra trong ngày 9/5 tới.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cho thấy có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của dịch COVID-19.
Trong đó, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh, 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.
Về nguyên liệu đầu vào, 22,1% doanh nghiệp bị thiếu hụt, riêng đối với các doanh nghiệp lớn tỉ lệ này là 42,8%, tập trung vào nhóm ngành may mặc, da giày (71%), sản xuất sản phẩm điện tử và ô tô (lần lượt là 62,1% và 58,1%).
Đặc biệt, 45,4% doanh nghiệp cho biết bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, nhất là vốn lưu động để trả lương lao động (đây là gánh nặng lớn nhất), lãi vay, thuê mặt bằng và hoạt động thường xuyên. Nhiều doanh nghiệp phải sa thải nhân viên để giảm chi phí hoạt động.
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, thay vì mất nhiều thời gian phân tích mổ xẻ khó khăn vướng mắc mà hãy tập trung vào việc hiến kế, Hội nghị mong muốn được lắng nghe ý kiến hiến kế, tham mưu của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện, xây dựng các cơ chế hỗ trợ.
"Tại buổi đối thoại, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ trực tiếp đưa ra các cam kết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Những kiến nghị nào thuộc thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ sẽ ra nghị quyết, quyết định ngay, vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ được gửi lên Quốc hội trong kì họp tới để giải quyết sớm”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho hay.
Với mục tiêu nêu trên, Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính:
Thứ nhất, đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID – 19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận và khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của các doanh nghiệp trong quá trình phòng chống dịch.
Thứ hai, đánh giá tác động và khả năng hấp thụ các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ ba, nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch, nắm bắt cơ hội nhằm hướng tới phát triển bền vững hơn, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.
Thứ tư, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Cụ thể, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề như: việc hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gẫy các chuỗi cung ứng truyền thống; sự chủ động và khai thác hiệu quả thị trường trong nước trong khi thị trường thế giới đang giảm mạnh cả ở phía cung và phía cầu; chủ động các nguồn cung ứng vật liệu trong nước để phát triển sản xuất, kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề, sản phẩm có tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế;…
Hội nghị sẽ chính thức diễn ra vào sáng 9/5 với hình thức trực tuyến kết hợp với truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 và các ứng dụng online của Đài Truyền hình Việt Nam.
Các điểm cầu trực tuyến gồm: điểm cầu chính tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội); 30 điểm cầu tại trụ sở các Bộ, cơ quan Trung ương và 63 điểm cầu tại các địa phương.