|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kiến nghị cho phép kéo dài một số chính sách kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp

17:05 | 12/10/2023
Chia sẻ
Tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu cho rằng cần tiếp tục triển khai một số chính sách để tiếp tục kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

 

Thảo luận tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra chiều 12/10, nhiều đại biểu đề nghị kéo dài một số chính sách thuộc Nghị quyết này để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết 43 Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho rằngnhững kết quả phục hồi tích cực trong năm 2022, 2023 có đóng góp quan trọng từ Nghị quyết này cũng như Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay tốc độ phản ứng chính sách rất nhanh, tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách lại chậm hơn, chưa đồng tốc với việc ban hành chính sách.

Theo ông, tính thời điểm là rất quan trọng đối với Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội.

"Nếu thực hiện chậm thì chính sách sẽ không còn phát huy được hiệu quả, ý nghĩa như ban đầu, tiêu biểu là chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, mục tiêu là để khuyến khích lực lượng công nhân quay trở lại lao động, tuy nhiên do thực hiện chậm nên hiệu quả chưa được như ý", Phó Tổng thư ký VCCI nói.

Đại diện VCCI kiến nghị tiếp tục triển khai một số chính sách để tiếp tục kích cầu, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, hoặc điều chuyển một số chương trình để có nguồn lực cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh, góp phần giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận thị trường quốc tế.

Kéo dài thời hạn giải ngân vốn đầu tư công

Với các chính sách về đầu tư công,Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết áp lực giải ngân số vốn còn lại của chương trình trong những tháng còn lại của năm 2023 rất lớn, việc thực hiện giải ngân toàn bộ vốn theo cam kết của các bộ, cơ quan trung ương cũng rất khó khả khả thi.

Kết quả kiểm toán cho thấy, tiến độ giải ngân của nhiều dự án rất chậm so với yêu cầu Nghị quyết 43 tại thời điểm kiểm toán vào tháng 8/2023.

Trong đó, có 21 dự án chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ vốn, 59 dự án chưa được thực hiện giải ngân vốn. Do đó, phải thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng để đề xuất danh mục dẫn đến mất nhiều thời gian và chậm ban hành thông báo mức vốn của chương trình, Phó Tổng Kiểm toán thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện đối với phần vốn còn dư của chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, trong khi các bước chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ bản quy mô lớn cũng không thể nhanh.

Nghị quyết 93 của Quốc hội cũng đã quyết nghị cho phép điều hòa vốn của Chương trình phục hồi với các dự án của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thực tế cho thấy chủ trương này đã góp phần khơi thông dòng vốn của Chương trình phục hồi và các dự án đang triển khai của kế hoạch đầu tư công trung hạn.  

Trong những năm tới đặc biệt những năm cuối của nhiệm kỳ, chúng ta cũng cần nguồn vốn của chương trình đầu tư công trung hạn điều hòa trở lại để thực hiện để hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của Chương trình phục hồi.

Phát biểu giải trình các vấn đề thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển.

Nếu chỉ giải ngân các công trình này đến năm 2024 thì thời gian sẽ ngắn bởi hiện có một số dự án quan trọng quốc gia mới bắt đầu bắt đầu thực hiện các thủ tục triển khai thủ tục, có dự án hiện mới bắt đầu giải ngân.

Ví dụ cao tốc Bắc Nam, cầu Đại Ngãi, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, trong một năm có thể không kịp giải ngân. Vì vậy, Chính phủ đề xuất cho phép kéo dài đến năm 2025, cụ thể, khoản chuyển nguồn để đảm bảo tính chủ động và khả thi kéo dài đến hết năm 2024; khoản đầu tư phát triển cho phép kéo dài đến hết năm 2025, Bộ trưởng cho biết.

Hạ An