|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Việt Nam - câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ASEAN giữa đại dịch COVID-19’

11:04 | 20/11/2020
Chia sẻ
Trái ngược với các nền kinh tế ASEAN khác, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát đại dịch. Theo Nikkei, đây là một trong những yếu tố giúp Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng dương năm nay.

Theo Nikkei, Việt Nam đang trở thành câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ở Đông Nam Á trong kỉ nguyên COVID-19. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác đang chật vật phục hồi sau đại dịch, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương.

Trong quí III, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,6% so với cùng kì năm ngoái, đánh dấu hai quí tăng trưởng dương liên tiếp trong bối cảnh đại dịch. Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ đứng thứ 4 Đông Nam Á năm nay, vượt Singapore, Malaysia và gần bằng Philippines.

‘Việt Nam trở thành câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ASEAN giữa đại dịch COVID-19’ - Ảnh 1.

Xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu vận tải biển. (Ảnh: Reuters).

Trái ngược với các nền kinh tế ASEAN khác, Việt Nam thành công trong việc kiểm soát virus corona. Xuất khẩu tăng cũng đã giúp thúc đẩy tăng trưởng khi các công ty chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc

Trong tháng 10, xuất khẩu tăng 9,9% so với cùng kì năm ngoái lên 26,7 tỉ USD. Bộ Công Thương dự báo mức tăng cả năm 3 - 4%.

Cuối tháng 10 vừa qua, một tàu container do hãng Maersk vận hành đã cập cảng Cái Mép - cảng lớn nhất miền Nam Việt Nam. Trước đây, các tàu này thường lựa chọn những cảng khác trong khu vực, như Singapore.

Xuất khẩu ngày càng tăng của Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu vận tải biển. Điều này cho phép hàng hóa Việt Nam được vận chuyển trực tiếp đến người mua, giảm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển, từ đó giúp quốc gia này gia tăng sức cạnh tranh với tư cách là nhà xuất khẩu.

‘Việt Nam trở thành câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ASEAN giữa đại dịch COVID-19’ - Ảnh 2.

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhờ các nhà sản xuất chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh đòn thuế từ Mỹ.

Ngay cả các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động có tay nghề cao, chi phí thấp. Samsung Electronics cũng có ý định chuyển hoạt động sản xuất máy tính cá nhân đến Việt Nam sau khi đóng cửa một nhà máy ở Trung Quốc.

Tính đến nay, Việt Nam báo cáo khoảng 1.300 ca nhiễm COVID-19. Điều này góp phần giảm thiểu tác động của đại dịch lên nền kinh tế. Việt Nam đã áp dụng cách li xã hội trong ba tuần hồi tháng 4, sau đó, hoạt động sản xuất bình thường trở lại, sớm hơn so với những quốc gia khác trong khu vực. Tỉ lệ mất việc làm được hạn chế và chi tiêu tiêu dùng (chiếm 70% GDP) vẫn ổn định.

‘Việt Nam trở thành câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ASEAN giữa đại dịch COVID-19’ - Ảnh 3.

So với Indonesia, Malaysia và Thái Lan, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khả quan năm 2020. (Ảnh: Nikkei).

Trong khi đó, các nước ASEAN khác vẫn chưa thoát khỏi sự đình trệ do COVID-19 gây ra. Hồi tháng 10, IMF dự báo năm nay tăng trưởng GDP của Việt Nam là 1,6%. Trong khi đó các quốc gia Đông Nam Á khác được dự báo tăng trưởng âm, như Singapore và Malaysia (- 6%), Thái Lan (-7,1%).

Trong quí III, nền kinh tế Malaysia sụt giảm 2,7%, kéo theo lĩnh vực dịch vụ vốn chiếm 60% GDP của nước này sụt giảm 4%.

Các ngành liên quan đến du lịch bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Theo Hiệp hội Khách sạn Malaysia, tỉ lệ lấp đầy của các khách sạn Malaysia đã giảm xuống chỉ còn 20% trong tuần cuối cùng của tháng 10 trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.

Tổ chức này cảnh báo rằng nếu không có sự hỗ trợ thêm của chính phủ, các doanh nghiệp du lịch "sẽ buộc phải đưa ra các quyết định khó khăn cũng như thực hiện các hành động quyết liệt để tồn tại", trong đó có cắt giảm việc làm.

Chính phủ Thái Lan công bố dữ liệu kinh tế hôm 16/11 cho thấy GDP nước này giảm 6,4%, đánh dấu quí thứ ba liên tiếp giảm.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 3.500 USD, vẫn thấp hơn rất nhiều so với con số 58.500 USD của Singapore và 10.200 USD của Malaysia. Tuy nhiên, theo Nikkei, đại dịch đang thúc đẩy sự thay đổi trật tự kinh tế của khu vực.

Số ca mắc COVID-19 đang đạt mức cao ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, Malaysia đang vật lộn với làn sóng dịch thứ hai từ tháng 10. Một khi tốc độ lây nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao, hoạt động kinh tế vẫn sẽ bị đình trệ do người tiêu dùng tránh ra ngoài, khiến khả năng phục hồi ngày càng xa vời.

Mặc dù một số nước ASEAN được dự đoán sẽ phục hồi mạnh trong năm tới, tuy nhiên theo nhận định của Nikkei, Việt Nam có thể vẫn là nền kinh tế duy nhất có mức tăng trưởng dương vào nửa đầu năm 2021, tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh.

Ngoài ra, Nikkei cũng đề cập đến một số rủi ro. Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được cho là sẽ duy trì quan điểm cứng rắn của Washington đối với Trung Quốc. Nếu ông loại bỏ đòn thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc, việc dịch chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam có thể chậm lại.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Anh Đào