CNBC: Không phải Trung Quốc, Việt Nam mới là nền kinh tế dẫn đầu châu Á trong đại dịch
Các nước châu Á chưa công bố hết số liệu kinh tế quý IV/2020 và cả năm. Nhưng ước tính do CNBC tổng hợp từ những nguồn chính thức và của các tổ chức lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Việt Nam vượt trội hơn tất cả các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực năm 2020.
Theo ước tính Chính phủ công bố tháng 12, năm 2020 kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,9%. Con số này cao hơn cả tốc độ tăng trưởng 2,3% của Trung Quốc cùng kỳ.
Các nhà kinh tế của Bank of America Global Research viết trong báo cáo: "Việt Nam đạt được một trong những mức tăng trưởng cao nhất trong một năm mà phần còn lại của thế giới chìm sâu trong suy thoái". Nhiều nhà kinh tế có vẻ lạc quan rằng kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc trong năm nay.
Dưới đây là cách Việt Nam đạt được kết quả kinh tế ấn tượng và triển vọng cho tương lai.
Kiểm soát COVID-19
Dù nằm cạnh Trung Quốc, tính tới sáng ngày 28/1, tổng số ca mắc COVID-19 của Việt Nam là 1.553 trường hợp và chỉ có 35 ca tử vong.
Cách Việt Nam đối phó với COVID-19 được quốc tế ca ngợi là hình mẫu đáng học tập đối với các quốc gia đang phát triển. Thành công trong kiểm soát dịch bệnh đã giúp kinh tế tăng trưởng trong suốt năm 2020.
Bank of America nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay. Ngân hàng này dự đoán GDP Việt Nam sẽ tăng 9,3% trong năm 2021, cao hơn nhiều so với ước tính 6,7% của World Bank.
Sức bền của xuất khẩu
Giới chuyên gia cho rằng ngành sản xuất là nhân tố giúp cho Việt Nam đạt được thành tích vượt trội trong năm 2020. Sản xuất Việt Nam tăng trưởng nhờ vào nhu cầu xuất khẩu ổn định. Các nhà kinh tế dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những năm tiếp theo.
Báo cáo tháng 12/2020 của Fitch Solutions viết: "Xét rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi chính từ xu hướng đa dạng hóa/dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc trong vài năm qua, chúng tôi nhận thấy xuất khẩu của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới".
Trong năm 2020, Việt Nam cũng ký kết một số hiệp định thương mại mới, chẳng hạn như UKVFTA với Anh và EVFTA với châu Âu. Những hiệp định này có thể thúc đẩy dùng chảy thương mại của Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa.
Tuy nhiên, nhà kinh tế cấp cao về châu Á Gareth Leather tại Capital Economics cảnh báo mối đe dọa tiềm tàng đối với xuất khẩu của Việt Nam và triển vọng kinh tế tổng thể là các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tháng 12 năm ngoái, Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ lên Việt Nam. Động thái này cho phép Mỹ thực hiện các biện pháp trừng phạt ví dụ như đánh thuế quan vào hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Nhưng các nhà phân tích từ ngân hàng Australia ANZ cho rằng Mỹ sẽ không nhanh chóng đưa ra bất kỳ động thái nào, một phần vì chính quyền của ông Biden "có thể sẽ không có quan điểm cứng rắn về vấn đề thao túng tiền tệ như dưới thời Tổng thống Trump".
Ngành dịch vụ phục hồi
Ngành dịch vụ của Việt Nam đã phần nào phục hồi trong giai đoạn cuối năm 2020 sau khi bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch.
Các nhà kinh tế nhận định mức độ phục hồi của ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch sẽ quyết định Việt Nam có sớm lấy lại được khả năng tăng trưởng như trước đại dịch hay không.
Nhà kinh tế Leather của Capital Economics mô tả triển vọng du lịch là "kém", nhưng ông dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 10% trong năm 2021 – một trong những ước tính tích cực nhất trong thị trường.
"Tới cuối năm 2021, chúng tôi đoán GDP Việt Nam sẽ chỉ thấp hơn 1,5% so với con số Việt Nam có thể đạt được nếu đại dịch không xảy ra. Đây là một trong những khoảng cách nhỏ nhất trong khu vực châu Á", ông Leather viết.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.