Brand Finance: Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất thế giới
Công ty định giá thương hiệu Brand Finance (trụ sở tại London, Anh) nhận định, giá trị thương hiệu của top 100 đã chịu thiệt hại nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19, tổn thất lên tới 13,1 nghìn tỷ USD.
Năm 2020 đã đặt các nước trên thế giới vào một thử thách lớn, từ tác động kinh tế của COVID-19 đối với dự báo GDP, tỷ lệ lạm phát và tình hình kinh tế chung đến làm suy yếu các triển vọng dài hạn.
Trong báo cáo Nation Brands 2020, Brand Finance ước tính tổng giá trị thương hiệu của 100 quốc gia hàng đầu đã giảm từ 98 nghìn tỷ USD năm 2019 xuống còn 84,9 nghìn tỷ USD trong năm nay, tức giảm 13,1 nghìn tỷ. Riêng giá trị thương hiệu của top 10 trung bình giảm 14%.
Thương hiệu quốc gia | Giá trị thương hiệu (USD) | Biến động giá trị thương hiệu |
---|---|---|
Mỹ | 23,7 nghìn tỷ | -14,5% |
Trung Quốc | 18,7 nghìn tỷ | -3,7% |
Nhật Bản | 4,2 nghìn tỷ | -6% |
Đức | 3,8 nghìn tỷ | -21,5% |
Anh | 3,3 nghìn tỷ | -13,9% |
Pháp | 2,7 nghìn tỷ | -12,8% |
Ấn Độ | 2 nghìn tỷ | -20,8% |
Canada | 1,9 nghìn tỷ | -13% |
Italy | 1,8 nghìn tỷ | -15,8% |
Hàn Quốc | 1,7 nghìn tỷ | -20,6% |
Nguồn: Bảng xếp hạng Nation Brands 2020
Ngôi sao Việt Nam
Trong bảng xếp hạng, Việt Nam là thương hiệu quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2020. Giá trị thương hiệu của nước ta nhảy vọt 29% lên khoảng 319 tỷ USD.
Brand Finance nhận xét, Việt Nam báo cáo số ca bệnh và tử vong do COVID-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc và là một trong các trung tâm sản xuất hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.
Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, nhà đầu tư đã bắt đầu tiềm kiếm cơ sở sản xuất thay thế, từ đó Việt Nam nổi lên như một lựa chọn hàng đầu.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do gần đây của Việt Nam như EVFTA và RCEP cũng góp phần củng cố tốc độ tăng trưởng của nước ta.
Siêu cường Mỹ - Trung vẫn đứng đầu
Mỹ và Trung Quốc vượt trội hẳn so với phần còn lại, lần lượt giành vị trí đầu tiên và thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay. Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đặc biệt căng thẳng vì cuộc chiến thương mại nổ ra năm 2018 và đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020.
Mỹ từ lâu luôn đứng đầu xếp hạng Nation Brands của Brands Finance. Sau một năm 2020 nhiều biến động, giá trị thương hiệu của Mỹ giảm 14% xuống còn 23,7 nghìn tỷ. Hiện là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 18 triệu ca bệnh và gần 320.000 ca tử vong, Mỹ tiếp tục vấp phải nhiều lời chỉ trích gay gắt và hoài nghi trên toàn cầu.
Sau khi ông Biden được tuyên bố là người chiến thắng cuộc bầu cử năm nay, cũng là một trong các cuộc đua gây tranh cãi và phân cực nhất lịch sử nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ đi theo một lộ trình mới với nhiều thay đổi về chính sách.
Thành công và ưu thế vượt trội của các thương hiệu Mỹ trên toàn cầu sẽ luôn mang lại cho lá chắn an toàn cho nền kinh tế và danh tiếng của Mỹ, Brand Finance nhận xét. Các thương hiệu Mỹ như Amazon, Google, Apple và Microsoft đã giành được 4 trong 5 vị trí hàng đầu trong danh sách Brand Finance Global 500 của năm nay.
Không biến động như Mỹ, giá trị thương hiệu của Trung Quốc hầu như vẫn ổn định và chỉ ghi nhận mức giảm khiêm tốn 3,7% trong năm 2020.
Phản ứng nhanh chóng của chính quyền Bắc Kinh trước đại dịch, kết hợp cùng các biện pháp kích thích có chọn lọc trong vài tháng qua, đã đưa đất nước tỉ dân trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên phục hồi từ suy thoái. Trung Quốc cũng được dự đoán là nền kinh tế G20 duy nhất sẽ tăng trưởng trong năm nay.
Ngoài đo lường giá trị thương hiệu quốc gia, Brand Finance còn đánh giá sức mạnh tương đối của các thương hiệu quốc gia thông qua một số chỉ số như mức đầu tư thương hiệu, hiệu quả thương hiệu,... Theo các tiêu chí này, Đức trở thành thương hiệu quốc gia mạnh nhất trong năm 2020 với điểm sức mạnh thương hiệu là 84,9/100 và xếp hạng AAA.
#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.
#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.
Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.
Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.