|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bloomberg: Chuỗi cung ứng Apple thay đổi diện mạo một vùng quê Việt Nam

08:53 | 22/10/2020
Chia sẻ
Bắc Giang từng là một trong các tỉnh nghèo nhất Việt Nam, được biết đến với nghề trồng lúa, trái vải và chăn nuôi gia cầm. Khi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu dịch chuyển, sự xuất hiện của Apple và Hon Hai Precision Industry (Foxconn) đã làm thay đổi bộ mặt của tỉnh.

Theo Bloomberg, đầu tư nước ngoài vào Bắc Giang gần như tăng gấp đôi mỗi năm, thậm chí ngay trong đại dịch COVID-19. Bắc Giang dự đoán kim ngạch xuất khẩu năm nay sẽ đạt ngưỡng 11 tỉ USD, tăng 10 lần trong 6 năm.

Người dân dân Bắc Giang đổi đời từ những chiếc xe máy cũ kĩ sang các mẫu Honda hai bánh mới, trong khi số khác lái ô tô SUV của Toyota và sedan của Mercedes trên những nẻo đường mới.

Ông Nguyễn Văn Lanh (64 tuổi) cho hay: "Chúng tôi lên đời nhờ các nhà máy nước ngoài". Gia đình ông Lanh trước từng không đủ tiền mua thịt ăn nhưng nhờ tiết kiệm tiền lương từ nhà máy, ông đã xây được dãy phòng trọ cho các công nhân thuê. Một người họ hàng chuyên cho công nhân nhà máy vay tiền giờ đi một chiếc Mercedes-Benz màu đỏ.

Diện mạo mới của Bắc Giang cho thấy quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay da đổi thịt các khu vực nghèo khó như thế nào.

Khả năng thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến của Việt Nam đang tăng tốc khi chi phí lao động ở Trung Quốc tăng, thương chiến Mỹ - Trung bùng nổ và các lỗ hổng về logistics lộ ra trong đại dịch.

Đảo chiều khó tin

Trong nhiều thập kỉ sau khi Việt Nam mở cửa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế, Bắc Giang vẫn là một tỉnh nghèo. Theo thống kê của chính phủ Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của Bắc Giang là khoảng 650 USD/người, chỉ bằng một nửa so với mức chung toàn quốc.

Ruộng đồng dễ ngập lụt và năng suất cây trồng thấp nên người dân Bắc Giang phải tản ra đi làm công nhân nhà máy ở các tỉnh phía nam, cách nhà khoảng 1.700 km. Bây giờ, Bắc Giang đang chứng kiến đợt bùng nổ đầu tiên khi thu nhập bình quân đầu người được dự báo đạt 3.000 USD/người trong năm nay.

Doanh nghiệp gõ cửa các tỉnh phía bắc Việt Nam và cam kết đầu tư hàng tỉ USD để xây dựng cơ sở sản xuất, đơn cử như Samsung Electronics.

Đối tác lắp ráp của Apple, Pegatron có kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào thành phố cảng Hải Phòng theo sau động thái tương tự từ "táo khuyết". Apple gần đây đã đăng tin tuyển dụng tại Việt Nam cho các vị trí như kĩ sư cơ khí, quản lí chuỗi cung ứng và làm việc với chính quyền.

Bloomberg: Đầu tư của Apple thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam - Ảnh 1.

Một khách sạn to đẹp đang trong quá trình xây dựng tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Bloomberg)

Ông Gene Tyndall, chuyên gia về lĩnh vực chuỗi cung ứng tại công ty tư vấn eMATE (trụ sở tại Atlanta, Mỹ), nhận xét: Các yếu tố như chi phí thấp, chính trị ổn định, chính sách thân thiện với nhà đầu tư, cơ sở hạ tầng từng bước đổi mới và chiến lược thúc đẩy các công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ của Việt Nam khiến nước ta trở nên hấp dẫn trong mắt nà đầu tư.

Thay da đổi thịt

Ở trung tâm tỉnh Bắc Giang, nơi bò vẫn nhởn nhơ ngoài phố, con đường mới 6 làn xe giờ đã thay thế con đường một làn xe trong quá khứ. Gần hai chục khu công nghiệp nhà máy được đề xuất xây dựng, xe ủi và cần cẩu xuất hiện khắp nơi.

So với cùng kì năm ngoái, kinh tế Bắc Giang tăng trưởng 10,9% trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi mức tăng trưởng của cả nước là 2,12%.

Ông Nguyễn Đại Lượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên, nơi có 4 trong 5 khu công nghiệp đang hoạt động của tỉnh cho biết: "Chúng tôi đang tận dụng quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu".

Tốc độ dịch chuyển nhà máy đến Bắc Giang tăng mạnh kể từ năm 2016 khi các công ty rót khoảng 3,8 tỉ USD vào tỉnh, tăng gấp 4 lần so với 4 năm trước đó.

Ông Lượng cho biết chính quyền địa phương đang xây dựng một cảng sông để vận chuyển linh kiện và theo yêu cầu của Apple, cung cấp đất làm nhà ở công nhân gần khu phức hợp rộng 16 ha của Luxshare Precision Industry, hãng sản xuất AirPod lớn nhất thế giới.

Bloomberg: Đầu tư của Apple thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam - Ảnh 2.

Công nhân làm việc tại nhà máy Luxshare ở khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Bloomberg)

Bắc Giang gần như đã toàn dụng việc làm và người dân từ các tỉnh lân cận đổ xô đến tìm việc tại các công ty như Luxshare. Ông Lượng cho biết, Luxhsare sẽ tuyển 20.000 công nhân trong 4 tháng cuối năm nay, nâng tổng số lao động tại huyện Yên Việt lên 47.000 người. Ngoài ra, công ty này còn sử dụng khoảng 12.000 lao động từ địa phương khác trong tỉnh.

Thu nhập cao và một ước mơ lớn

Công nhân dây chuyền lắp ráp điện tử có thể kiếm được 5.500 USD/năm sau thuế, bao gồm tiền lương làm thêm giờ và tiền thưởng, cao hơn mức trung bình hàng năm của Việt Nam (dưới 3.000 USD).

Chị Nguyễn Thị Hà (22 tuổi), trộn bê tông cho một công ty xây dựng trước khi đứng dây chuyền lắp ráp, hiện kiếm được 10 triệu đồng (tương đương 431 USD) mỗi tháng. "Tôi từng chỉ kiếm được một nửa con số đó và buộc phải làm việc dưới nắng gắt hoặc thỉnh thoảng là mưa gió", chị Hà cho hay.

Công nhân nhà máy tản ra các nhà hàng, ăn uống đông vui. Chị Nguyễn Thị Lý (26 tuổi) - chủ một nhà hàng - cho hay: "Công nhân tiêu xài thoải mái hơn". Gia đình chị Lý hiện sở hữu một chiếc ô tô Mazda và 5 xe máy mới. Trước khi các nhà máy nước ngoài đến, gia đình chị gần như chẳng có gì.

"Cuộc sống của chúng tôi thay đổi đáng kinh ngạc", chị Lý chia sẻ.

Bloomberg: Đầu tư của Apple thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam - Ảnh 3.

Nhiều nhà hàng, quán ăn mọc lên gần các khu công nghiệp để phục vụ công nhân nhà máy. (Ảnh: Bloomberg)

Thay da đổi thịt bất ngờ cũng đi cùng một cái giá khi đứng dây chuyền lắp ráp phải đối mặt với áp lực lớn. Anh Hoàng Phương Duy (30 tuổi) đã tham gia cuộc đình công ngắn vào tháng 9 tại Luxshare do công ty thay đổi cách tính lương làm thêm giờ, khiến công nhân Việt Nam và giám sát viên nước ngoài vốn bất đồng ngôn ngữ lại thêm căng thẳng với nhau.

Anh Duy cho biết Luxshare đã nhanh chóng giải quyết tranh chấp để công nhân hài lòng làm việc. "Đứng dây chuyền rất mệt mỏi. Chúng tôi luôn phải làm rất nhanh với sự tập trung cao độ trong khi làm việc nhiều giờ liền".

Thách thức của Việt Nam trong tương lai là đảm bảo cải thiện giáo dục để đất nước có thể tránh được "bẫy thu nhập trung bình" một khi các nhà máy rời đi vì chi phí lao động tăng cao và chuyển hướng sang một nền kinh tế có lao động tay nghề tốt hơn, nhà kinh tế Scott Rozelle tại Đại học Stanford nhận định.

Một nền giáo dục chất lương cao cho thế hệ tương lai chính là ước mơ của những người dân Bắc Giang như ông chủ xóm trọ Nguyễn Văn Lanh. Ông nói: "Chúng tôi từng hầu như không có gì ăn và cũng chẳng có quần áo mặc".

Hướng về đứa cháu gái 3 tháng tuổi, ông Lanh nói thêm: "Con bé sẽ có nhiều thức ăn ngon và quần áo đẹp để mặc. Chúng tôi sẽ cho cháu đi đại học và con bé sẽ có nhiều cơ hội hơn ông bà nó".

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Yên Khê