|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

New York Times: Việt Nam có phải là 'phép màu châu Á' tiếp theo?

15:39 | 14/10/2020
Chia sẻ
Theo New York Times, tiếp nối kì tích từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, Việt Nam giờ đây đang trên đà trở thành "phép màu châu Á" thế hệ mới sau những thành công trong chính sách chống dịch COVID-19 và quản lí kinh tế.

Chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc công bố ca dương tính với COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã huy động các nguồn lực để ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2.

Sử dụng tin nhắn điện thoại, quảng cáo truyền hình, áp phích và loa phóng thanh, chính phủ kêu gọi gần 100 triệu dân xác định người mang mầm bệnh và kiểm tra lịch sử dịch tễ của người bệnh.

Cô lập nhanh chóng các ổ dịch giúp Việt Nam trở thành một trong số 4 nước có tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới, dưới một người chết trên 1 triệu dân.

Kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 cho phép Việt Nam nhanh chóng khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh và Việt Nam hiện được dự đoán là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay.

Trong khi nhiều nước đối mặt với suy giảm kinh tế và phải yêu cầu Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu thì Việt Nam tăng trưởng 2,62% trong quí III vừa qua. Ấn tượng hơn, New York Times nói tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được thúc đẩy bởi thặng dư thương mại cao kỉ lục, dù thương mại toàn cầu sụp đổ.

"Phép màu châu Á" mới gọi tên Việt Nam

Khoảnh khắc đột phá của Việt Nam từ lâu đã xuất hiện ở các nền kinh tế khác. Sau Thế chiến II, "phép màu châu Á" từng đến với Nhật Bản, sau là Đài Loan và Hàn Quốc và gần nhất là Trung Quốc.

Phép màu này giúp các nền kinh tế thoát nghèo thông qua mở cửa đón nhận đầu tư và thương mại quốc tế, bên cạnh việc trở thành trung tâm xuất khẩu lớn.

Việt Nam đang đi trên con đường tương tự, nhưng trong một thời đại hoàn toàn mới. Kỉ nguyên bùng nổ dân số và toàn cầu hóa mạnh mẽ đều đã qua. Tăng trưởng kinh tế đang chững lại trên toàn cầu.

Ở giai đoạn bùng nổ, các "phép màu châu Á" trong quá khứ từng tạo ra mức tăng trưởng xuất khẩu thường niên gần 20%, gần gấp đôi mức trung bình của các nền kinh tế thu nhập thấp hoặc trung bình vào thời điểm đó.

Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tương tự trong gần ba thập kỉ. Ngay cả khi thương mại toàn cầu suy yếu ở thập niên 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng 16% một năm, cho đến nay là tốc độ nhanh nhất thế giới và gấp ba lần mức trung bình của các nền kinh tế mới nổi.

Theo New York Times, khác với các nền kinh tế mới nổi khác, Việt Nam dành nguồn lực cho xuất khẩu, xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa hàng hóa ra nước ngoài và xây dựng trường học để đào tạo người lao động.

Chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 8% GDP hàng năm cho các dự án xây dựng mới và hiện xếp cao hơn các nền kinh tế cùng nhóm về chất lượng cơ sở hạ tầng.

Ngoài ra, Việt Nam cũng ra sức thu hút đầu tư nước ngoài. Trong 5 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trung bình tương đương hơn 6% GDP, tỉ lệ cao nhất trong nhóm thị trường mới nổi.

Phần lớn vốn FDI được rót vào xây dựng nhà máy chế tạo và cơ sở hạ tầng liên quan và đa số vốn đến từ các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quóc. Các "phép màu châu Á" cũ đang giúp xây dựng phép màu mới, Việt Nam.

Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các công ty quốc tế rời Trung Quốc để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ hơn.

Thu nhập bình quân đầu người hàng năm ở Việt Nam đã tăng gấp 5 lần kể từ cuối những năm 1980 lên gần 3.000 USD/người, tuy nhiên chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc. Lực lượng lao động của Việt Nam cũng được cho là có tay nghề cao so với các nước cùng thu nhập.

New York Times cho rằng, lực lượng lao động có kĩ năng tốt đang giúp Việt Nam "thăng hạng", có lẽ là nhanh hơn các đối thủ khác, để sản xuất các hàng hóa phức tạp. Hàng công nghệ vượt quần áo và dệt may, trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam vào năm 2015 cũng như chiếm phần lớn thặng dư thương mại cao kỉ lục trong năm nay.

Thời gian qua, Việt Nam còn kí hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hiệp định EVFTA mang tính bước ngoặt với Liên minh châu Âu.

Thách thức trên con đường chuyển mình

Liệu Việt Nam có thể tiếp tục thành công hiện tại, bất chấp một số trở ngại tiềm tàng như dân số thu hẹp, thương mại giảm sút? Theo New York Times, câu trả lời là có thể.

Trong khi tốc độ tăng dân số trong độ tuổi lao động tại Việt Nam chững lại thì phần lớn người dân vẫn còn sống ở khu vực nông thôn.

Do đó, nền kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bằng cách chuyển lao động từ nông thôn ra làm việc tại các nhà máy ở thành thị. Trong 5 năm qua, không có nền kinh tế lớn nào có tỉ trọng xuất khẩu toàn cầu tăng mạnh bằng Việt Nam.

Cho đến nay, chính phủ Việt Nam còn đưa ra các chính sách kinh tế cởi mở và quản lí tài chính hợp lí.

Dù vậy, Việt Nam vẫn có thể đối mặt với một vấn đề tiềm tàng khác. Sau nhiều lần tư nhân hóa, số lượng công ty nhà nước đã giảm bớt. Tuy nhiên, các công ty này vẫn rất lớn và chiếm gần 1/3 sản lượng kinh tế. Nếu rắc rối xảy ra, các công ty nhà nước lớn (vốn chiếm nhiều khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng) có thể gây hại cho nền kinh tế.

Điểm đáng chú ý là khối nợ lớn dần cũng dẫn đến khủng hoảng tài chính, đánh dấu chấm hết cho thời kì tăng trưởng bền vững ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và hiện tại là Trung Quốc.

Tóm lại, trên con đường trở thành "phép màu châu Á" mới, Việt Nam có thể vấp phải một số trở ngại cần lưu tâm.

#StandUpVietnam là chương trình đặc biệt đồng hành cùng các doanh nghiệp trong nước chia sẻ và truyền cảm hứng vượt qua những khó khăn từ đại dịch COVID-19.

#StandUpVietnam mong muốn được đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế chính sách, giải pháp thúc đẩy kinh doanh, cách thức quản trị trong khủng hoảng… từ chính những doanh nhân đang chèo lái DN vượt qua thử thách lớn này.

Các thông tin từ quí DN sẽ được các cơ quan báo chí tham gia #StandUpVietnam biên tập, đăng tải hoàn toàn miễn phí trong chương trình nếu nội dung được đánh giá là hữu ích, thiết thực, tích cực.

Các thông tin vui lòng gửi về địa chỉ email info@vietnambiz.vn và info@vietnammoi.vn kèm đầu mối liên lạc để #StandUpVietnam có điều kiện tương tác, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải.

Yên Khê